Bộ LĐ-TBXH hoàn thành 100% kế hoạch trong năm 2019
Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, ngành LĐ-TBXH hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.
Hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị |
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2018. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổ chức thành công các hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước; Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt nam". Gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo tạo nghề, đào tạo thí điểm theo Chương trình chuyển giao từ Đức và Úc; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các chuẩn đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, góp phần làm tăng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam lên 13 bậc.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ... Nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước; mở nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu, ký Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản. Thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn lao động từ khu vực Tây Nam Bộ.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị |
“Ước cả năm tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh
Năm 2019, Bộ LĐ-TBXH cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Tiếp tục các giải pháp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay cả nước có trên 15,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt trên 545 nghìn người,hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW); trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị |
Năm 2019, Bộ LĐ-TBXH trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công. Tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng với phạm vi mở rộng hơn, theo báo cáo của 49 tỉnh/thành phố có hồ sơ tồn đọng, đến nay có 8 địa phương đã giải quyết xong và 14 tỉnh không có tồn đọng. Thực hiện tốt hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sỹ và người có công; tổ chức thành công lễ gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, đại diện cho 12 nghìn thương binh nặng trong cả nước; lễ trao bằng Tổ quốc ghi công đến 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân gia đình liệt sĩ của cả nước tại thành phố Vĩnh Long. Vận hành Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở.
Ước tính cho đến cuối năm 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý… Phối hợp, tham gia xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020.
Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 2,9 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Theo dõi sát tình hình thiên tai, dịch bệnh; tổ chức thực hiện công tác cứu trợ đột xuất đầy đủ, kịp thời. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, trợ giúp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng; tổ chức tốt công tác trợ giúp đối tượng tại cộng đồng. Ước thực hiện 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng đạt 84%.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Chỉ đạo các địa phương bảo đảm cho mọi trẻ em được đón Tết Nguyên đán vui tươi, đầm ấm; tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; Chương trình "Mùa Xuân cho em" lần thứ 12; Tết Trung thu cho trẻ em. Chú trọng triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm tai nạn, thương tích ở trẻ em. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để trợ giúp cho trẻ em, trong năm Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt nam đã vận động được 188,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 128.007 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 113 tỷ đồng. Đến nay có 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt được nhiều kết quả tích cực; vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt; tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng lên; ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và được tôn vinh là những Doanh nhân quyền lực nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng.
Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành trong cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn mại dâm. Triển khai nhiều giải pháp phòng chống, kiểm soát ma túy, đem lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện cho người nghiện. Tỷ lệ người nghiện ma túy được tham gia các chương trình điều trị cai nghiện đạt 70%. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống mại dâm; tiếp tục xây dựng, thí điểm mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ cho người bán dâm. Hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019 cũng là năm Ngành LĐ-TBXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ.
Năm 2020: Tập trung xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, việc hoàn thành toàn diện các mục tiêu đặt ra sẽ tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030; đồng thời, là năm có nhiều ngày lễ lớn. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới sẽ phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức, dự báo sẽ có tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành, cụ thể như: Thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động với trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng 4.0; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; biến đổi khí hậu tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội...
Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định toàn ngành sẽ quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; quán triệt phương châm hành động của Chính phủ và tiếp tục phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”