Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện về triển khai Quy hoạch điện VIII

Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và pháp luật về việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Vì sao Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải tới 7 lần trình Thủ tướng? Không hợp thức hóa dự án điện sai phạm trong thực hiện Quy hoạch điện VIII

Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công thương thực hiện, tại Nghị quyết số 44/NQ-CP vừa ban hành.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và pháp luật về việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện danh mục các dự án nguồn điện theo yêu cầu của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2024, trong đó ưu tiên phát triển các dự án điện sinh khối, điện sản xuất từ rác.

Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện về triển khai Quy hoạch điện VIII
Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và pháp luật về việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm.

Trước đó, ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhằm phổ biến thông tin đến các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và theo cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước.

Ngày 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm tiền đề cho việc triển khai nhiều dự án quan trọng và ưu tiên đầu tư trong ngành điện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trong Quy hoạch này mới chỉ công bố tổng công suất nguồn, các loại hình nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện, các dự án điện lớn kể cả dự án nguồn và truyền tải; chưa xác định được danh mục chi tiết và quy mô công suất các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo; trong khi đó, các dự án này chủ yếu nằm ở các địa phương, đây là cơ sở các địa phương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình phát triển điện lực quốc gia.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Công thương đã khẩn trương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện đề án Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Sau 7 lần trình Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, sở dĩ Bộ Công thương đã có 7 lần trình lên Thủ tướng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch này do đây là lần đầu tiên Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành điện được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Cùng với đó, do tính đặc thù của ngành và sự liên quan, kết nối rất chặt chẽ của Quy hoạch điện VIII với các quy hoạch ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và các quy hoạch cấp tỉnh nên Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận sự phối hợp thực hiện có lúc chưa thực sự chặt chẽ của một số địa phương với Bộ Công thương trong quá trình xây dựng Kế hoạch cũng làm cho thời gian hoàn thiện bị kéo dài.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết thêm, nhiều địa phương đề xuất danh mục dự án quá lớn (có địa phương đề xuất 5-7 lần, thậm chí 10 lần so với quy mô công suất phân bổ và không thực hiện xếp hạng ưu tiên) nên Bộ Công thương không có cơ sở để xem xét, đánh giá, thẩm tra để xây dựng danh mục dự án, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù 46 địa phương đã gửi văn bản và được Bộ Công thương tổng hợp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, danh mục dự án một số loại hình nguồn điện của các địa phương vẫn chưa đạt công suất nguồn điện được phân bổ trong thời kỳ quy hoạch, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

“Thời gian tới rất cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các địa phương với Bộ Công thương trong việc hoàn thiện số liệu bổ sung để làm cơ sở cho việc thẩm định và trình Thủ tướng xem xét quyết định trước ngày 30/4/2024”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.

Hậu Lộc
Phiên bản di động