Bất động sản tuần qua: Dự án 25.000 tỷ đồng của Sài Gòn Đại Ninh làm mất 257ha đất rừng
Dự án 25.000 tỷ đồng của Sài Gòn Đại Ninh làm mất 257ha đất rừng
Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh.
Ảnh minh họa. |
Sở Tài chính tỉnh cho biết UBND tỉnh đã giao Sở xác định giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại tại khu vực dự án để doanh nghiệp nộp tiền bồi thường theo quy định.
Sau khi rà soát, sở này thông tin diện tích rừng bị mất tại dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh là 257,05ha. Trong đó, diện tích hơn 140ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trữ lượng ngày 5/1/2016 và 117ha được xác định trữ lượng ngày 25/02/2011.
Đối với phần diện tích hơn 140ha rừng bị mất trên, Sở Tài chính tính toán và có Quyết định số 22/QĐ-STC ngày 2/3/2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là 6,64 tỷ đồng và Công ty Cổ phần đầu tư và du lịch Sài Gòn - Đại Ninh đã nộp đủ.
Phần diện tích còn lại 117ha, Sở Tài chính đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, xác định giá trị 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.
Do đó, ngày 3/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giải quyết theo thẩm quyền.
Hải Dương tạo điều kiện triển khai thực hiện các dự án của Tập đoàn FLC
Mới đây, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn FLC để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh do nhà đầu tư đề xuất, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng khẳng định lãnh đạo tỉnh cùng các sở ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh Hải Dương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh Hải Dương thống nhất tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến dự án Tập đoàn FLC. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Chí Linh, TP Hải Dương và huyện Nam Sách cập nhật diện tích đất thực hiện các dự án nêu trên vào Quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương.
Riêng với dự án khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái thể thao vui chơi, giải trí hồ Bến Tắm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với TP Chí Linh rà soát, thống kê nguồn gốc đất để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng ý chủ trương cho Tập đoàn FLC thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai hợp phần sân golf trong dự án trên cơ sở bảo đảm quy định của pháp luật.
Đối với 3 dự án còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xác định ranh giới từng dự án. Rà soát các phương án quy hoạch để bảo đảm kết nối đồng bộ, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tập đoàn FLC tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu, phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các phương án, đề xuất quy hoạch các dự án có liên quan trong đó tập trung hoàn thiện đồ án quy hoạch dự án khu vực hồ Bến Tắm. Chủ tịch UBND tỉnh giao đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản trực tiếp theo dõi, phụ trách dự án này và yêu cầu hàng tuần các sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Lạng Sơn thông qua 2 đồ án quy hoạch khu đô thị và khu trung tâm du lịch 858ha
Kỳ họp thứ tư (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Lạng Sơn khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị sinh thái và dịch vụ điểm đến chân núi Mẫu Sơn, tỷ lệ 1/2.000.
Phạm vi quy hoạch toàn bộ phân khu F, thuộc đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn với quy mô nghiên cứu khoảng 2.124,4ha.
Quy mô lập quy hoạch phân khu khoảng 456,5ha (các tiểu khu F1, F2, F3, F4), dự báo dân số đến năm 2040 khoảng 7.500 người. Quy mô buồng phòng phục vụ du lịch khoảng 200 phòng.
Không gian toàn khu chia thành 3 khu vực gồm: khu ở dịch vụ cửa ngõ phía tây quy mô khoảng 109,27ha; khu ga cáp treo khoảng 132,92ha; khu công viên chuyên đề khoảng 214,35ha.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Lạng Sơn cũng thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu trung tâm du lịch phía tây Mẫu Sơn, tỷ lệ 1/2000 thuộc phân khu A, thuộc đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.
Quy mô nghiên cứu thuộc một phần phân khu A - phân khu trung tâm khu du lịch phía tây Mẫu Sơn (các tiểu khu A1, A2, A3, A4 và A7) với diện tích khoảng 788,8ha.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 402,1ha (trong đó diện tích thuộc xã Công Sơn huyện Cao Lộc khoảng 61,2ha; thuộc xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình khoảng 340,9ha), dự báo dân số đến năm 2040 khoảng 1.800 người. Quy mô buồng phòng phục vụ du lịch khoảng 3.900 phòng.
Vạn Phát Hưng giải trình vi phạm tại dự án Nhơn Đức
Vạn Phát Hưng đã bị xử phạt 300 triệu đồng vì hành vi “Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định” kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng do vi phạm tại dự án Nhơn Đức.
Ảnh minh họa. |
Theo Vạn Phát Hưng, dự án Nhơn Đức đã có quyết định giao đất từ năm 2010, sản phẩm dự án Nhơn Đức cũng đã được đưa vào kinh doanh từ giữa năm 2017 trong khi kết luận điều tra của UBND TP. HCM lại thực hiện vào cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 và ra quyết định xử phạt vào giữa năm 2021.
Việc triển khai dự án trong thời gian dài nên không tránh khỏi các quy định pháp luật thay đổi. “Vì thế, công ty chúng tôi vô tình có hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản”, giải trình nêu rõ.
Ngoài ra, phía Vạn Phát Hưng cũng cho biết công ty đã hoàn thành việc nộp phạt và khắc phục vi phạm trên theo kết luận thanh tra của UBND TP HCM.
Thanh Hóa chấp thuận đầu tư dự án khoáng nóng gần 7.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương.
Ảnh minh họa. |
Theo quyết định, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 6.848,9 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là 6.161,4 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là 687,5 tỷ đồng.
Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, dự kiến sẽ được khởi công và xây dựng từ quý IV/2021 đến quý IV/2025.
Về quy mô xây dựng, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 99,5ha, bao gồm các hạng mục như hạ tầng kỹ thuật, nhà quản lý điều hành, hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại và nhà ở. Trong đó, hạng mục nhà ở sẽ có khoảng 2.461 căn, gồm: 231 căn liền kề, 464 căn biệt thự xây thô, hoàn thiện mặt trước và khoảng 1.766 căn hộ chung cư hoàn thiện. Còn dịch vụ thương mại sẽ gồm dịch vụ tắm khoáng, trung tâm ẩm thực Nhật Bản, khu tổ chức sự kiện.
Tân Á Đại Thành muốn đầu tư khu đô thị trung tâm hành chính 2.700 tỷ đồng ở Đắk Lắk
Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã có buổi làm việc với UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), trình bày phương án quy hoạch khu đô thị trung tâm hành chính mới Ea Kar với tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của tập đoàn, dự án có diện tích khoảng 72ha nằm tại vị trí thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện. Dự án bao gồm hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với Quốc lộ 26, trong đó lấy cụm công trình trụ sở UBND, trung tâm thương mại và công viên cây xanh làm trung tâm...
Dự án khu đô thị trung tâm hành chính mới Ea Kar đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh tại Nghị quyết số 09/2020.
Trước đề xuất của Tân Á Đại Thành, ông Y Nhuân Byă – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, cho biết thường trực Huyện ủy thống nhất ủng hộ và chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch dự án.
Vũng Tàu rà soát dự án khu du lịch 3.350 tỷ của Hodeco
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có công văn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh dự án khu du lịch Đại Dương tại phường 11, TP. Vũng Tàu.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở làm rõ 3 vấn đề gồm: kết quả thực hiện kiến nghị của Kiếm toán Nhà nước khu vực XIII số 59/TB-KV XVIII ngày 6/2/2018 đến nay thế nào; khẳng định dự án đủ hay không đủ điều kiện để điều chỉnh chủ trương đầu tư; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo tỉnh trong tháng 10 này.
Theo tìm hiểu, dự án khu du lịch Đại Dương tại Chí Linh - Cửa Lấp, phường 11, thành phố Vũng Tàu có diện tích khoảng 19,5ha với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương làm chủ đầu tư.
Một điều đáng chú ý, vào hồi 2019 Công ty Cổ phần nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) đã nhận chuyển nhượng 100% vốn Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu.
Đến tháng 5/2021, Hodeco đã thông qua việc hợp tác đầu tư và kinh doanh cùng đối tác tại dự án khu du lịch Đại Dương (tên thương mại là Antares).
Theo đó, phần diện tích thuộc dự án, Hodeco đã đồng ý để đối tác triển khai khoảng 11ha tại các vị trí quy hoạch bất động sản du lịch. Riêng phần diện tích còn lại (phía mặt tiền biển) sẽ do Hodeco đầu tư kinh doanh.