Bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây trong dòng chảy cải cách hành chính
Hà Nội tính xây cầu cạn mở rộng đường ven Hồ Tây Xử phạt các trường hợp vứt rác xuống Hồ Tây Quận Tây Hồ: Huy động sức dân bảo vệ môi trường, duy trì trật tự đô thị |
Quy hoạch và quản lý Hồ Tây: Trọng tâm của phát triển bền vững
Vào tháng 1/2024, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức bàn giao Hồ Tây cho quận Tây Hồ quản lý toàn diện, giao quận tập trung xây dựng và thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận". Đây được coi là căn cứ để xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đề xuất các dự án nhằm khai thác hiệu quả những giá trị của Hồ Tây.
Theo đó, quy hoạch Hồ Tây không chỉ trong không gian Hồ Tây mà còn nghiên cứu đối với các khu vực phụ cận, không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường sinh thái mà còn phải gắn liền với phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa. Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đã và đang triển khai Đề án tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực giai đoạn 2, quy hoạch các tuyến phố xung quanh Hồ Tây nhằm tạo không gian du lịch, giải trí hấp dẫn.
![]() |
6. Lãnh đạo quận Tây Hồ chúc mừng phường Nhật Tân dịp đón nhận danh hiệu Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội đình Nhật Tân |
Việc nghiên cứu mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây (trước mắt có phố Quảng An, phố Từ Hoa, trước Thung lũng hoa Hồ Tây) với mặt cắt ngang lên 21m, cũng là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm tải giao thông, đồng thời tạo không gian cảnh quan phục vụ các Đề án phát triển kinh tế trên địa bàn phù hợp với sự phát triển bền vững của khu vực.
![]() |
5. Trà sen Tây Hồ được người Tây Hồ lưu giữ và truyền lại cho đời sau |
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ năm 2023 đến nay, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, nghề trồng đào Nhật Tân, Lễ hội Đình Nhật Tân đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của quận trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống, gắn văn hóa với phát triển du lịch.
Bài toán bảo tồn trong dòng chảy cải cách hành chính
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đang đặt ra bài toán lớn đối với chính quyền quận Tây Hồ: Làm thế nào để vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao chất lượng quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây một cách hiệu quả nhất?
Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, quận xác định đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản lý và tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm. Việc thành phố bàn giao Hồ Tây cho quận Tây Hồ quản lý toàn diện không chỉ nhằm mục đích phân cấp, tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương, mà còn giúp quận quy hoạch bài bản, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử - du lịch của Hồ Tây theo định hướng phát triển bền vững.
![]() |
4. Các tân binh sinh hoạt chính trị tại đền Đồng Cổ |
Ông nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn cần có sự chung tay của cộng đồng. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành, đề xuất ý tưởng, góp sức bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan và phát huy các giá trị văn hóa của Hồ Tây. Có như vậy, Hồ Tây mới thực sự trở thành điểm nhấn của Hà Nội trong tương lai”.
Ông cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục kiến nghị thành phố đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ven Hồ Tây, đồng thời nghiên cứu các mô hình quản lý mới theo hướng ứng dụng công nghệ số để giám sát, bảo vệ môi trường nước, đảm bảo quy hoạch phù hợp với cảnh quan đô thị, nhu cầu phát triển bền vững và phù hợp với kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18.
Hướng đi nào cho tương lai Hồ Tây?
Hồ Tây được xem là "lá phổi xanh", "viên ngọc quý" của Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn những thách thức lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực này. PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Hồ Tây và vùng phụ cận chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có.
![]() |
1. Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây |
Vì thế, việc TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho quận Tây Hồ quản lý toàn diện là cách làm đúng đắn để việc quy hoạch và phát triển du lịch Hồ Tây cần được tiếp cận một cách bài bản, chú trọng vào bảo tồn di sản văn hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo yếu tố sinh thái bền vững”.
![]() |
3. Chùa Trấn Quốc (ảnh Lê Việt Khánh) |
Ông cũng đưa ra một số đề xuất như: Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa: Tạo ra các không gian văn hóa đặc trưng ven Hồ Tây, tổ chức các sự kiện lễ hội truyền thống, khai thác các tuyến du lịch tâm linh gắn với di tích đình, chùa, phủ; Quảng bá và phát triển du lịch: Đầu tư mạnh vào quảng bá hình ảnh Hồ Tây thông qua các nền tảng số, đẩy mạnh mô hình du lịch trải nghiệm, khám phá các làng nghề truyền thống như làm xôi Phú Thượng, ướp trà sen Quảng An; Ứng dụng công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường Hồ Tây: Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước theo thời gian thực, xây dựng trung tâm điều hành thông minh để kiểm soát chất lượng nước, quản lý giao thông và không gian cảnh quan ven hồ.
Hồ Tây không chỉ là một danh thắng nổi tiếng mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh cải cách hành chính mạnh mẽ, quận Tây Hồ đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây một cách bền vững. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự chung tay của người dân và các chuyên gia, Hồ Tây sẽ không chỉ giữ vững những giá trị truyền thống mà còn phát triển trở thành trung tâm du lịch, văn hóa hàng đầu của Hà Nội trong tương lai. |