Hà Nội tính xây cầu cạn mở rộng đường ven Hồ Tây
Chưa đến hồ Tây chưa gọi là đến Hà Nội! |
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét phương án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây, quận Tây Hồ.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cơ bản tán thành với phương án nghiên cứu đề xuất của UBND quận Tây Hồ và Tập đoàn Sungroup, thống nhất với chủ trương đưa nội dung nghiên cứu này (sau khi hoàn chỉnh, báo cáo UBND TP thống nhất phương án) vào quy trình chuẩn hóa hồ sơ đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
![]() |
Khu vực đường ven H |
UBND quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc cập nhật toàn bộ các nội dung ý tưởng, phương án nghiên cứu, bao gồm: bến thủy, cầu nối giữa hồ Thủy Sứ với Đầm Trị, hệ thống giao thông, giao thông tĩnh, vườn hoa, đường đi bộ, cảnh quan, xử lý nước thải… vào Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và phụ cận và Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố sớm giao UBND quận Tây Hồ tổ chức lập Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, thời gian, tiến độ tổ chức lập, trình phê duyệt không quá 2 tháng.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng thống nhất với ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Tây Hồ về phương án mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường Quảng An, Từ Hoa (phương án 21m), tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn để xác định cụ thể tại các khu vực khai thác không gian, kết hợp với vườn hoa cảnh quan.
Theo đó, phần mở rộng đường không chỉ là cầu cạn thông thường mà phải xác định là một hạng mục công trình có tính nghệ thuật, kiến trúc cảnh quan, có giá trị thẩm mỹ cao, có tỷ lệ phù hợp, cần nghiên cứu thu nhỏ cột, hạn chế xâm lấn diện tích mặt nước hồ.
Đồng thời, nghiên cứu cao độ mặt nước hồ Tây (mực nước cao nhất và thấp nhất) theo mùa; nghiên cứu màu sắc con đường, kết hợp cây xanh, chiếu sáng công trình.
Đặc biệt, Hà Nội yêu cầu hình thức, tạo hình, hình khối, độ vươn…. Công trình phải có thẩm mỹ cao, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, giảm cảm giác ảnh hưởng về không gian.
Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu triển khai mẫu đối với phân đoạn này (hình thức đầu tư công) và giao quận Tây Hồ tổ chức triển khai thực hiện ngay để đảm bảo hoạt động các dự án quan trọng tại khu vực bán đảo Quảng An.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu tổng thể các tuyến đường xung quanh hồ Tây; xác định bề rộng mặt cắt đường giao thông, số lượng làn xe phù hợp với tổ chức không gian, tổ chức giao thông, bố trí không gian đi bộ kết hợp công viên cây xanh tại những vị trí phù hợp dọc đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài; chuẩn hóa phương án bố trí bến thủy nội địa, cầu nối giữa hồ Thủy Sứ - Đầm Trị đảm bảo thẩm mỹ cao nhất, quy mô nhỏ nhất, đẹp nhất nhưng vẫn đáp ứng công năng, giảm thiểu ảnh hưởng đến hồ.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở Tài chính mới) căn cứ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 16/9/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư để xem xét, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP về cơ chế đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây (phân đoạn còn lại) theo phương thức đối tác công tư BT (dự án đầu tư đối ứng có thể xem xét, đề xuất các hạng muc công trình khu vực xung quanh Hồ Tây và các quỹ đất khác) theo quy định và giao UBND quận Tây Hồ tổ chức thực hiện đồng bộ theo nhiệm vụ Quy chế quản lý và khai thác Hồ Tây.