Bánh đúc nóng - thức quà thơm ngon, ấm lòng mùa đông Hà Nội

Khi nhớ đến những món ăn nhất định phải thử trong mùa đông tại Hà Nội, người ta thường nhớ ngay tới bánh đúc nóng, một thức quà thơm ngon, ấm lòng, đơn giản mà khó quên.
Hà Nội sắp có khu phố đi bộ kết hợp ẩm thực hấp dẫn tại Đảo Ngọc Ngũ Xã Trải nghiệm ẩm thực Ý tại Hà Nội

Hà Nội đã sang đông, thời tiết se sắt lạnh khiến con người ta miên man về những ngày cuối năm. Trong không khí này, ta lại nhớ đến món gì đó nóng hổi, thơm lừng, ăn vào ấm bụng, khi ấy, bánh đúc nóng là một trong những món ăn hiện lên tâm trí ta đầu tiên.

Bánh đúc vốn được biết đến là loại bánh truyền thống đặc quánh khuấy từ bột gạo cùng nước vôi trong, thường để nguội rồi cắt miếng vuông, chấm với tương Bần, khi ăn dậy mùi lạc béo béo bùi bùi ẩn trong miếng bánh giòn, thấm vị tương đậm đà.

Món bánh đúc ấm lòng thực khách trong ngày đông giá lạnh
Món bánh đúc ấm lòng thực khách trong ngày đông giá lạnh

Món ăn này được coi là một trong những món bánh cổ truyền dân dã và giản dị nhất ở Hà Nội, nhưng cách thưởng thức lại khác nhau tùy theo tín đồ ẩm thực Hà Nội.

Không biết từ bao giờ, bánh đúc nóng ra đời, lưu giữ một nét tinh hoa của ẩm thực phố phường Hà Nội. Hương vị của lạc, của bột gạo được nấu dẻo quánh, chan thêm chút nước chấm chua ngọt, ăn kèm với đậu phụ nóng hổi, chút thịt băm nạc mỡ đan xen tạo nên một hương vị đặc trưng khiên người ta cứ mê mẩn mãi không thôi.

Có nhiều nơi thay vì chan nước mắm chua ngọt, người ta sẽ dung nước hầm xương. Hương vị ngọt tự nhiên của nó không phải đến từ đường hay bột ngọt mà thay vào đó là từ xương được hầm trong vài giờ. Chính vì thế, ngọt đấy, đậm đà đấy mà người ăn sẽ vẫn cảm thấy vị thanh nhẹ chứ không quá tải, không ngấy ngập.

Bánh đúc nóng - thức quà thơm ngon, ấm lòng mùa đông Hà Nội

Khác với bánh đúc truyền thống đặc và mịn, bánh đúc nóng sẽ được nấu dẻo quánh từ hai loại bột đặc trưng là bột gạo tẻ và bột năng, khi múc lên sẽ thấy bánh chảy xuống, dẻo quánh sền sệt. Khi trộn, mỗi mơi sẽ có một tỷ lệ trộn bột khác nhau nhưng đều phải cho ra một kết cấu dẻo dai, không được nồng hay gắt mùi.

Phần khó nhất chính là quấy bột, dành cho những bàn tay nội trợ khéo léo đã thuần thục, quen động tác khuấy vòng tròn đều đặn và nhịp nhàng. Một nồi bánh đúc đạt tiêu chuẩn sẽ thơm mùi gạo mới, không khê, không vón hay bén nồi.

Mỗi bát bánh đúc nông thơm ngon sẽ có một chút thịt băm xào với mộc nhĩ, thịt là phần nạc không hoặc có ít mỡ, xào thơm nức mũi. Mộc nhĩ thái sợi điểm vào giòn sần sật, kết đôi hài hòa với cái mịn mượt của phần bánh đúc.

Người bán hàng sẽ chan vào bát xăm xắp nước mắm chua ngọt còn nóng hổi, rắc thêm rau mùi. Khi ăn nước dùng thấm vào phần bánh đúc, vị giác người thưởng thức như đung đưa bởi nước thịt xào thơm phức hòa vào phần nước mắm, tạo thành một hương vị ngọt ngào tự nhiên.

Bánh đúc nóng - thức quà thơm ngon, ấm lòng mùa đông Hà Nội

Nếu muốn bát bánh đúc thêm dậy mùi, người ta sẽ rắc thêm chút hành phi ngầy bậy béo, hòa cùng bát nước châm cay ngọt, làm người ta khi thưởng thức sẽ nhớ mãi không thôi.

Nguyên liệu và cách chế biến món bánh đúc nóng không quá cầu kỳ, những cũng cần yêu cầu sự khéo tay chăm chút để hương vị món ăn thêm trọn vẹn, ấn tượng. Giới sành ăn ở Hà Nội thường rủ nhau đến các "quán ruột" để thưởng thức món này như quán chị Dung ở cổng chợ Mơ mặt đường Minh Khai, quán Oanh ở Hòe Nhai, quán số 249 Đội Cấn, quán ở Nghĩa Tân, Lê Ngọc Hân...

Là thức quà của Hà Nội nên bát bánh đúc nóng bao giờ cũng vừa phải, đủ dùng, giá cả cũng hợp lý để người ăn thỏa mãn cơn thèm nhưng không bị no đến đầy bụng chán ngán lần sau không muốn quay lại.

Còn với nhiều người, "muốn ăn phải lăn vào bếp", muốn tự tay chế biến món này cho gia đình, người thân thì bí quyết được những người nấu món bánh đúc nóng lâu năm sẵn sàng bật mí.

Bánh đúc nóng - thức quà thơm ngon, ấm lòng mùa đông Hà Nội

Đầu tiên, bạn ngâm nở mềm mộc nhĩ và nấm hương trong nước lạnh khoảng 30 phút. Sau đó, cắt bỏ phần chân nấm, rửa sạch và cắt nhỏ.

Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tím đã băm nhuyễn mỏng. Khi hành thơm và ngả vàng, bạn vớt 1/2 phần hành phi ra chén để riêng. Sau đó, cho tiếp thịt heo băm, nấm hương, nấm mèo vào. Đảo đều hỗn hợp trên lửa vừa đến khi thịt chín tái.

Kế đến, bạn nêm nếm thêm gia vị gồm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu. Tiếp tục đảo đều khoảng 10 phút nữa cho nhân chín thì tắt bếp. Cho vào nồi bột gạo, bột năng, bột nếp, 1 chút nước rồi khuấy đều cho bột tan. Sau đó, bắc nồi bột lên bếp và khuấy đều trên lửa vừa đến khi mịn, đặc sánh lại.Lúc này, bạn cho vào thêm 1 muỗng dầu ăn rồi khuấy thêm 1 - 2 phút nữa thì tắt bếp.

Để pha nước mắm, bạn cho vào chén theo tỉ lệ 2 muỗng canh nước ấm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh giấm, 1 muỗng canh nước mắm rồi khuấy đều. Sau đó, cho vào thêm 1 ít tỏi ớt băm là được.Cuối cùng, múc bánh đúc ra chén, cho thịt lên trên, rắc thêm hành phi ở Bước 1, 1 ít rau mùi, chan nước mắm là có thể thưởng thức ngay.

Bánh đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn, dẻo mịn thơm nhẹ dùng kèm với nhân thịt nấm đậm đà, bùi vị đan xen cùng nước mắm chua ngọt, cay cay, ngon quên lối về.

Các cụ xưa có câu "Quà đói bánh giò, quà no bánh đúc". Cũng là bánh đúc, mà bánh đúc nóng là món quà để ăn chơi, ăn cho thanh cảnh chứ không phải để lấp đầy bụng rỗng.

Ngày đông lành lạnh, thưởng thức bát bánh đúc ấm, cảm giác thảnh thơi thật sự. Bánh đúc từ một món quà "ăn cho no" gắn liền với phố thị bình dị, nay đã có cho riêng nó một phiên bản thanh tao và tinh tế rất đỗi Hà thành, là thức quà của những chiều đông khi người ta thèm một chút gì đó cho vui mồm, không quá đầy mà vừa vặn làm ấm bụng.

Chi Chi
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động