Bàn tay thanh niên biến vùng “đất chết” thành “làng triệu phú”
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum âm tính với Covid-19 Cách ly người đàn ông sau khi đi chơi ở Hà Nội, ăn giỗ tại Hải Dương rồi về Gia Lai Kết quả bóng đá hôm nay: TP Hồ Chí Minh vùi dập Quảng Nam |
Thách thức từ vùng “đất chết”
Giữa cái nắng khốc liệt tháng 3, chúng tôi tìm về làng Ring (làng Thanh niên lập nghiệp). Ngay khi vào xã Ia Mơr đã thấy bụi mù mịt, cây cối khô quắt. Những khoảnh rừng khộp hai bên đường dẫn từ trung tâm huyện Chư Prông lên xã Ia Mơr trơ trụi, nhiều đám cháy vẫn còn âm ỉ…Mảnh đất này ví như sa mạc trên cao nguyên. Tuy nhiên, giữa cái sa mạc này lại có một “ốc đảo” - làng Ring trù phú, xua tan cái nắng đang treo trên đỉnh đầu.
Anh Phạm Văn Hiển là một trong số 150 người thanh niên được lựa chọn tham gia xây dựng làng Ring từ năm 2007. Với sức trẻ và khát vọng nuôi mầm xanh trên vùng “đất chết”, anh Hiển đã cùng với bao chàng trai khác đưa làng Ring trở thành làng giàu nhất xã. Chính vì vậy mà anh Hiển được bầu làm trưởng thôn.
Từ một cánh rừng khộp, khô cháy, giờ đây làng Ring trở thành làng phát triển nhất xã Ia Mơr |
Anh Phạm Văn Hiển chia sẻ: “Làng Ring còn được gọi là làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr thuộc dự án của Trung ương Đoàn.
Làng được khởi công xây dựng năm 2005 với mục đích xây dựng cụm dân cư khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo Quốc phòng - An ninh. Theo đó, Trung ương Đoàn đã kêu gọi những thanh niên tình nguyện lên vùng đất này và cấp nhà ở, đất đai. Đầu năm 2007, có 8 thanh niên đầu tiên lên ở tại làng này. Tôi là 1 trong số đó. Dân số của làng đến năm 2009 là 130 hộ nhưng nay còn 70 hộ. Mới đây, làng được bàn giao lại cho UBND xã Ia Mơr với tên gọi là Ring”.
Anh Lê Văn Hồng (một trong những người đầu tiên lên vùng đất chết) kể lại: “Bố mẹ tôi ở huyện Phú Thiện. Năm 2008, khi nghe thông tin tuyển người lên xây dựng làng này, tôi xung phong đi. Khi mới lên khổ lắm. Toàn thân tôi bị lở loét do muỗi, ruồi, vắt cắn và do tắm suối. Đêm ngủ nghe tiếng thú rừng gọi nhau mà rợn người. Ban đầu cũng nản lòng, nhiều lần định bỏ về vì dưới Phú Thiện có khó khăn nhưng còn sướng gấp bội lần trên này”.
Theo tiếng gọi Trung ương Đoàn, lớp lớp thanh niên đã tình nguyện lên vùng khó xây dựng kinh tế |
“Sau rồi thấy mọi người làm được, sao mình bỏ về nên tôi quyết bám lại. Hàng ngày, chúng tôi mài dao và cuốc cho sắc rồi ra đồng chặt cây, cuốc đất làm ruộng. Trước đây vùng này là rừng khộp, nắng thì đất, mưa thì ngập nước và rất nhiều bụi le. Mất mấy ngày, tôi mới đào xong một bụi le để làm ruộng trồng lúa nước. Vì khổ quá nên nhiều hộ bỏ làng về lại chỗ cũ hoặc đi nơi khác làm ăn”, anh Hồng cho biết.
Ngay từ năm 2013, chúng tôi cũng đã tìm về làng Thanh niên lập nghiệp và cứ nghĩ rồi làng này sẽ tan rã vì đất đai khô cằn, sỏi đá, chỉ có những cánh rừng khộp mới sống nổi. Hệ thống đường, trường, trạm và nước sạch hầu như đều thiếu. Nhưng cái khiến chúng tôi ám ảnh nhất là cái nắng khô hanh, nhiệt độ vào độ tháng 3 có thể lên đến 39 – 40 độ…Lúc này, những thanh niên cũng bỏ về hơn 2/3, chỉ còn một số người bám trụ. Ấy thế mà, sau 7 năm qua lại thì làng này lại là làng giàu nhất xã, làm được lúa 2 vụ và trồng đa dạng cây.
Bàn tay thanh niên giúp “hoa nở trên đá”
Sau 13 năm, làng Ring đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khiến cả hệ thống chính trị phải ngỡ ngàng trước bàn tay, khối óc lớp thanh niên xung phong vào xây dựng vùng “đất chết”. Ngoài ý chí kiên cường vượt khó của các chàng trai tuổi đôi mươi còn là sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền đã góp công không nhỏ. Theo đó, hệ thống điện lưới dẫn đến từng nhà. Đường giao thông được bê tông hoá, mắc điện sáng trưng. Một trạm y tế quân dân y được xây dựng giữa làng nhằm giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân được thuận lợi. Một lớp học được duy trì để dạy dỗ trẻ em sinh ra trên vùng đất này.
Chàng thanh niên đã cống hiến hàng chục năm trời cho vùng đất khó |
Vùng đất hoang hoá, khô khát ngày nào đang chuyển mình thành những màu xanh của sự sống. Cánh đồng lúa nước 2 vụ hơn 40 ha cho năng suất cao và ổn định. Cây mì, cây mía bén rễ trên mảnh đất đầy đá đã giúp cho người dân có thêm nguồn thu nhập. Có nhiều người được mệnh danh làng Ring là triệu phú.
Hàng năm, họ được các cấp chính quyền biểu dương gương làm kinh tế giỏi. Trưởng làng Ring là 1 điển hình. Gia đình anh Hiển có hơn 10 ha đất trồng các loại cây. Trong nhà có 2 máy gặt đập lúa liên hợp. Đến vụ thu hoạch, 2 chiếc máy này không chỉ gặt lúa cho dân trong làng hay dân các làng khác của xã Ia Mơr mà còn ở huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Mới đây, gia đình anh Hiển mua một xe ô tô tải bán tải hơn 1 tỷ đồng. Cuối năm 2018, anh Hiển và 16 hộ dân thành lập Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và dịch vụ thanh niên chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, san ủi đất…
Nhiều mô hình phát triển kinh tế được các chàng trai thử nghiệm. Qua đó đã đưa vùng chết trỗi dậy |
Tại làng Ring cũng đã có 1 cây xăng của anh Phạm Văn Hiền. Anh Hiền cũng là thanh niên xung phong xây dựng làng. Một trong những người có tiềm lực về kinh tế là anh Nguyễn Văn Trưởng (Công an viên làng Ring) Gia đình anh Trưởng hiện có gần 10 ha đất. Trong đó, có 5 ha đất đang trồng các loại cây ăn quả như xoài, chanh dây, bưởi, mít, điều… Các loại cây trồng này đã bén đất vùng biên và cho thu hoạch.
Một gương sản xuất giỏi khác là anh Nguyễn Xuân Chinh. Hàng năm, gia đình anh Chinh có thu nhập vài trăm triệu đồng. “Trước đây cuộc sống của gia đình tôi nói riêng và dân làng nói chung gặp nhiều khó khăn nhưng nay đỡ nhiều rồi. Đất đai trên này cũng không đến nỗi cằn cỗi. Nếu chăm chỉ làm ăn thì sẽ có thu nhập ổn định. Hiện tôi đã mua được 1 ngôi nhà ở TP Pleiku để cho con gái đầu ở cùng bà nội và đi học cấp ba. Chúng tôi cũng gửi một cháu trai đi học cấp hai ở TP Buôn Mê Thuột. Mỗi tháng phải chi trả khoảng 5 triệu đồng cho chi phí ăn học của cháu”.
Giờ đây, các hộ trên làng Ring đã khấp khá, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm |
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr) cho biết: “So với 4 làng còn lại của xã thì làng Ring dẫn đầu về mọi mặt. Làng đó có nhiều hộ giàu và chỉ có 1 hộ nghèo thôi. Hộ nghèo là người cao tuổi đến ở với con rồi tách riêng. Dân làng Ring đều có nhà ở kiên cố. Người dân trên đó rất biết tiếp thu và áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nhờ đó đã đạt năng suất lao động cao”.
“Bên cạnh sự phát triển về kinh, có rất nhiều thanh niên tham gia xây dựng làng Ring buổi đầu đang giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở nhiều xã của huyện Chư Prông. Bởi những người này được thẩm tra lý lịch rất kỹ trước khi chọn lên làng và học hành bài bản. Với sức trẻ, dám nghĩ dám làm” các chàng trai đã khiến vùng đất chết hồi sinh”, anh Tuấn Anh cho biết thêm.