Bài học từ thảm kịch ngập hầm chui ở Hàn Quốc
Yếu tố thiên nhiên
Cuối tuần qua, mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở tỉnh Bắc Gyeongsang và Bắc Chungcheong, miền Trung Hàn Quốc, khiến 49 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán.
Trong đó, vụ việc nghiêm trọng xảy ra khi đường hầm đi bộ Osong dài 685m ở trung tâm thành phố Cheongju đã bị ngập hôm 15/7 sau khi mưa lớn làm con sông gần đó tràn bờ. 15 phương tiện, bao gồm cả một chiếc xe buýt, bị mắc kẹt dưới nước. Cho tới nay, 13 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy dưới hầm đường bộ ở trung tâm thành phố Cheongju…
Mùa mưa ở Hàn Quốc thường diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Tuy nhiên, chỉ bước qua nửa mùa mưa năm nay nhưng theo số liệu thống kê, quốc gia này đã chịu lượng mưa nhiều hơn tổng lượng mưa trung bình cho cả mùa mưa so với trước đây.
Giới chuyên gia nhận định, thảm kịch ngập đường hầm do mưa lũ tại Hàn Quốc là một hồi chuông cảnh tỉnh từ tự nhiên. Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó lường.
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong đường hầm ngầm bị ngập nước ở Osong, thành phố Cheongju, Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap) |
Ông Jung Ki-cheol, kỹ sư thủy văn tại Viện Môi trường Hàn Quốc, cho biết, mặc dù lượng mưa trung bình hàng năm dự kiến sẽ không tăng đột ngột từ năm 2021 đến 2040 nhưng sự gia tăng mạnh của những trận mưa lớn có thể là do biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thiệt hại thiên tai do lũ lụt sẽ tiếp tục gia tăng không chỉ do lượng mưa cực lớn mà số ngày mưa cũng tăng lên”, ông Jung cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng chỉ ra, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ dành ngân sách cần thiết để đề phòng biến đổi khí hậu nhưng cam kết này chưa được thực hiện đầy đủ. Tình hình phân bổ ngân sách hiện nay quá tập trung vào phục hồi mà chưa dành cho các hoạt động đề phòng, chuẩn bị.
Ông Jeong Chang-sam, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Induk ở Seoul chuyên về thủy lợi cho biết, vấn đề phòng ngừa trước thiên tai là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về người và của nhưng lại thường bị bỏ qua.
Giáo sư Jeong nêu ví dụ về kế hoạch lắp đặt các rào chắn điều khiển từ xa tại các đường chui được thiết lập sau trận lũ lụt ở Busan khiến ba người lái xe bị mắc kẹt và thiệt mạng vào năm 2020. Kế hoạch này đã không được thực hiện ở nhiều khu vực dễ bị lũ quét, bao gồm cả Cheongju…
Ông Lee Su-gon, cựu Giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Seoul cũng ước tính có hơn 1 triệu địa điểm trên khắp Hàn Quốc dễ bị sạt lở đất nhưng chỉ 1/10 trong số đó được chính quyền giám sát.
“Chính quyền các địa phương Hàn Quốc thường sử dụng 30% ngân sách ứng phó thiên tai cho biện pháp phòng ngừa, 70% cho khắc phục hậu quả sau thảm họa. Trong khi đó, các nước tiên tiến làm ngược lại, ưu tiên phòng ngừa hơn phục hồi”, ông cho biết.
Đồng quan điểm, Giáo sư Jeong Chang-sam, chuyên ngành kỹ thuật, Đại học Induk cho rằng: “Mọi người thích sử dụng các cách diễn đạt như phản ứng nhanh, phục hồi khẩn cấp song thảm họa khí hậu đã và đang diễn ra rồi. Trong khi nếu tập trung vào các dự án phòng ngừa, chi phí chỉ bằng một nửa so với dự án phục hồi”.
Nguyên nhân con người
Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân đằng sau vụ ngập hầm gây chết người; Đồng thời, tất cả các cơ quan chức năng cũng sẽ bị điều tra.
Tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được áp dụng đối với những người chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc bị kỷ luật, chuyển sang điều tra hình sự hoặc cải cách hệ thống.
Lũ lụt ở Hàn Quốc đã khiến hàng chục người thiệt mạng trong những mùa mưa gần đây khi thời tiết trở nên ngày càng cực đoan (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, trong ngày 17/7, cảnh sát Hàn Quốc thông báo kế hoạch thành lập một đơn vị điều tra đặc biệt phụ trách vụ việc để xem xét lý do tại sao các biện pháp hạn chế giao thông không được áp dụng đối với đường hầm chui bất chấp cảnh báo lũ lụt trước đó đã được đưa ra.
Các nhà chức trách Hàn Quốc đã xác nhận rằng họ đã nhận được hai cuộc gọi khẩn cấp yêu cầu hạn chế giao thông đối với đường chui trong hai giờ trước khi xảy ra vụ ngập hầm gây chết người.
Hiện các lực lượng chức năng Hàn Quốc đang bắt đầu cuộc điều tra bằng cách thu giữ các tài liệu để xem xét liệu có các báo cáo khẩn cấp nào khác được gửi cho chính quyền khu vực, cảnh sát hoặc sở cứu hỏa hay không và các văn phòng đã thực hiện những biện pháp phản ứng ra sao.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng chỉ trích phản ứng của nhiều cơ quan Chính phủ, nói rằng các khu vực có nguy cơ đã không được kiểm soát trước và thông tin không được phổ biến một cách hiệu quả.
“Kể từ năm ngoái, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh việc kiểm soát ra vào các khu vực nguy hiểm và sơ tán người dân trước khỏi các khu vực nguy hiểm”, Tổng thống Hàn Quốc nói.
Hàn Quốc tăng hạn ngạch thị thực lao động lành nghề lên 17 lần Để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng số lượng thị thực cho lao động có kỹ ... |
Thấy gì từ nền công nghiệp giải trí –“con gà đẻ trứng vàng” ở Hàn Quốc? BTS, BLACKPINK hay Super Junior – những nhóm nhạc đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường âm nhạc thế giới đã mang về hàng ... |
Người Hàn Quốc bỗng trẻ hơn nhờ cách tính tuổi mới Tất cả người Hàn Quốc ngay lập tức trở nên trẻ hơn 1 đến 2 tuổi khi quốc gia này từ bỏ hệ thống đếm ... |