Bài 4: Trưởng ban công tác Mặt trận làm “cầu nối” giữa chính quyền với Nhân dân

Càng sát tới thời điểm khởi công Dự án đường Vành đai 4, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) càng phải quyết liệt, bởi có nhiều trường hợp không chỉ gặp khó trong tháo gỡ tư tưởng mà còn cần những phương án, cách làm “vẹn cả đôi đường”. Điều này, đòi hỏi cán bộ ở cơ sở, nhất là những Trưởng ban Công tác Mặt trận ở gần dân phải lắng nghe, thấu hiểu để cùng với chính quyền triển khai những phương án hợp lòng dân.
Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4 Cần nghiên cứu kỹ lưỡng dự án thành phần 3 thuộc dự án Vành đai 4 Hà Nội đề xuất Chính phủ 4 nhóm nội dung tạo động lực mới cho quá trình phát triển

Biến “điểm yếu” thành giải pháp

Chúng tôi tìm về thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, nơi có số lượng mộ phải di dời phục vụ GPMB dự án đường Vành đai 4 khá lớn, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Dự án đường Vành đai 4 chính thức được khởi công.

Dẫn chúng tôi qua khu nghĩa trang cũ với các phần mộ đã được di dời gần hết, ông Nguyễn Đình Khảm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp không ngừng bày tỏ về sự “thần tốc” trong triển khai Dự án Vành đai 4 của Hà Nội khi chỉ trong gần 1 năm từ khi được Quốc hội thông qua, công tác GPMB đã được thực hiện quyết liệt với nhiều kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng.

undefined
Ông Nguyễn Đình Khảm trao đổi với phóng viên

Nhớ lại thời điểm từ khi Dự án còn mới chỉ dừng lại ở các phương án ban đầu, ông Khảm cho hay: Khi ấy, với kinh nghiệm của một cán bộ về hưu và đồng thời là một người con của quê hương Thường Tín, ông đã lường trước là GPMB sẽ rất khó khăn, bởi Dự án Vành đai 4 đi qua Đống Chùa Cửi (Nghĩa trang Chùa Cửi) nằm trên địa bàn xã đã có lịch sử vài trăm năm. Ở đó có cả ngôi mộ đá của Tiến sĩ thời nhà Lê, nên đây không chỉ là nghĩa trang mà còn là tâm linh, là văn hóa lịch sử.

“Xã Văn Bình, huyện Thường Tín chúng tôi là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng. Từ hàng ngàn năm trước, Văn Bình đã là trung tâm của phủ Thường Tín, với những công trình tâm linh nổi tiếng như chùa Pháp Vân, Pháp Lôi, Văn Từ Thượng Phúc … Nói thế để biết rằng yếu tố văn hóa truyền thống nơi đây là rất sâu đậm. Vì thế, việc di chuyển một vài ngôi mộ còn khó hơn cả trăm ngôi nhà”- ông Khảm chia sẻ.

Xác định thách thức đó và thực hiện sự chỉ đạo của huyện Thường Tín, xã Văn Bình đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác vận động tuyên truyền; Trong đó, trưởng thôn, Bí thư chi bộ, cán bộ dân vận, cán bộ Mặt trận,... được xác định đóng vai trò tiên quyết; Vừa gần dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó đề đạt giúp chính quyền triển khai những phương án, cách làm phù hợp với đặc điểm, hình hình địa phương.

Nhìn lại gần 1 năm qua, đối với ông Nguyễn Đình Khảm, đó là khoảng thời gian "thần tốc", cả hệ thống chính trị của xã Văn Bình đã vào cuộc thực hiện dự án với tinh thần chủ động, tích cực và hết sức quyết liệt. Chính quyền xã đã tổ chức nhiều hội nghị với các hộ dân của 2 thôn Văn Giáp và thôn Văn Hội để thông báo, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách, chế độ, hỗ trợ bồi thường GPMBcũng như tuyên truyền, vận động các hộ dân có mồ mả cần phải di dời. Nhiều cuộc họp dòng họ cũng đã được tổ chức để tạo sự thống nhất tư tưởng trong nội bộ.

Đồng hành cùng người dân, xã Văn Bình đã thành lập Tổ công tác thường trực. Trong thời gian cao điểm người dân thực hiện di dời mồ mả, Tổ công tác đã phân công các thành viên trực ở nghĩa trang cũ và nghĩa trang mới, để vừa kiểm đếm, vừa hỗ trợ kịp thời những tình huống phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Những trường hợp nào còn nhiều tâm tư, thì cán bộ xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn sẽ trực tiếp đến lắng nghe và gỡ vướng cho họ.

undefined
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp Nguyễn Đình Khảm

“Về cơ bản người dân đều đồng thuận nhưng lăn tăn về tâm linh trong di chuyển mộ là điều không tránh khỏi. Vì vậy, tôi đề đạt với chính quyền phải thực hiện các lễ nghi một cách cẩn thận, tỉ mỉ; Ngoài mời thầy chùa về cúng còn mời các bậc lão thành, các trưởng họ tham gia cùng để đảm bảo tính tôn nghiêm; Đồng thời, hỗ trợ một cách tối đa trong công tác di chuyển mộ cho các hộ gia đình”- ông Khảm cho biết.

Riêng dòng họ nhà ông Khảm cũng có 40 ngôi mộ thuộc diện phải di dời. Gia đình ông đã tiên phong đưa ông bà tổ tiên về nghĩa trang mới ngay từ những ngày tháng đầu công tác GPMB được triển khai hồi cuối năm 2022.

Đề cao vai trò của cựu chiến binh, người cao tuổi

Là cán bộ nhiều năm công tác trong quân đội, ông Khảm từng là người không tin vào tâm linh cũng như không bao giờ tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng ở địa phương cho tới khi nghỉ hưu, về sinh sống tại quê nhà.

Tới khi làm Bí thư Chi bộ rồi kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, tham gia các phong trào của địa phương và đặc biệt là khi vận động Nhân dân xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn, ông Khảm càng ý thức rằng, trong tuyên truyền, vận động, cần “bám” vào những tư tưởng, thói quen tại địa phương, nhất là văn hóa, tín ngưỡng thì mới dễ lấy được sự đồng thuận từ người dân.

“Trong di dời mộ thực hiện GPMB, chúng tôi chú trọng tới yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, dựa vào sức ảnh hưởng, tiếng nói của người cao tuổi, cựu chiến binh để quy tụ Nhân dân. Chúng tôi tổ chức lễ, nhờ ban chấp hành người cao tuổi tham gia, tạo sự tin tưởng của người dân”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Khảm chia sẻ.

“Nhiều người cao tuổi, cựu chiến binh tại địa phương vẫn khiêm tốn, cho rằng người già thì không còn giúp gì được cho quê hương, con cháu. Thực tế thì người cao tuổi luôn có tiếng nói trong gia đình, dòng họ, vì vậy, với nhiều nhiệm vụ chính trị, cần vận động người cao tuổi nêu gương, để con cháu noi theo, đồng thuận với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội”- ông Khảm nói thêm.

undefined
Người dân xã Văn Bình tìm hiểu về Dự án Vành đai 4

Xã Văn Bình, huyện Thường Tín có diện tích thu hồi đất GPMB Vành đai 4 khá lớn, khoảng 47,3ha. Trong đó, có 45 hộ dân thuộc diện giải tỏa cần tái định cư với tổng diện tích thu hồi đất là 4.482 m2 ; 500 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi với tổng diện tích 332.000 m2; Đất doanh nghiệp thu hồi hơn 13.000 m2 và số mộ cần phải di chuyển là 1.677 ngôi.

Nhờ có sự quyết liệt của chính quyền cùng sự tiên phong ủng hộ của nhiều hộ dân, công tác GPMB của xã Văn Bình, nhất là công tác di chuyển mồ mả nằm trong chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 đi qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, toàn xã vẫn còn 181 chưa di chuyển, trong đó, 118 mộ không nguời nhận, 17 mộ cải táng và 46 mộ có chủ chưa chuyển, phần lớn là mộ tươi, chưa cải táng.

Việc tìm được phương án tháo gỡ là bài toán đòi hỏi chính quyền địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tới mốc 30/6 sẽ có mặt bằng sạch khởi công Dự án đường Vành đai 4. Muốn vậy, các cán bộ cơ sở, đặc biệt là Trưởng ban Công tác Mặt trận càng cần phải sâu sát, tăng cường tham mưu, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chính quyền xã.

“Trên địa bàn thôn Văn Giáp chúng tôi vẫn còn một số ngôi mộ tươi chưa được 1 năm nên người dân vẫn còn nhiều tâm tư. Chúng tôi xác định ngay qua giỗ đầu, khi có chính sách đền bù, động viên cụ thể thì sẽ trao đổi với người dân để triển khai di dời mộ, đảm bảo tiến độ mà TP đã đề ra ”- ông Khảm cho biết.

(Còn nữa)

Tú Linh- Hải Dương
Phiên bản di động