Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4

Xây dựng tháp Chí Nghĩa tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, du lịch của huyện Thường Tín
Sôi nổi các hoạt động tại Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề quận Long Biên năm 2023

Vinh danh anh hùng dân tộc quê hương Thường Tín

Chiều 11/5, Huyện uỷ - HĐND - UBND - UBMTTQ VN huyện Thường Tín tổ chức hội thảo xây dựng tháp Chí Nghĩa và các hạng mục phụ trợ thuộc dự án: Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín chủ trì hội thảo. Tham dự còn có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật danh tiếng và đại diện dòng họ Nguyễn xã Nhị Khê (hậu duệ đời thứ 18 của danh nhân Nguyễn Trãi).

Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4
Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bùi Công Thản (Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín) đã ôn lại cuộc đời và thân thế của dah nhân Nguyễn Trãi. Theo đó, Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai sinh năm 1380 tại Thăng Long, quê làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc, nay là thôn Nhị Khê thuộc xã Nhị Khê huyện Thường Tín thành phố Hà Nội.

Khi nhà Lê sơ thành lập năm 1428, Nguyễn Trãi được đánh giá là khai quốc công thần. Nguyễn Trãi cũng là người khởi thảo Bình Ngô đại cáo, tuyên bố chấm dứt chiến tranh, khẳng định nền độc lập. Về mặt văn hóa, ông cũng có cống hiến rất lớn với hàng loạt tác phẩm thơ phú, văn học, lịch sử, địa lý có giá trị.

Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4
Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín phát biểu tại hội thảo

Những công lao to lớn của Nguyễn Trãi đối với nền độc lập dân tộc, quá trình hình thành và phát triển của vương triều Lê sơ, cũng như đối với lịch sử văn hóa dân tộc luôn được các triều đại phân chủ và nhân dân ngợi ca, tôn thờ.

Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày sinh và vinh danh ông là danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới.

Do đó, dự án xây dựng Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê đã được huyện Thường Tín chuẩn bị tích cực và hiện đang triển khai giai đoạn 1. Việc xây dựng một khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi là một thiết chế văn hóa cộng đồng, góp phần thiết thực tôn vinh ông, đồng thời tạo dựng một không gian hưởng thụ văn hóa của người dân trong vùng và rộng hơn, góp phần giáo dục công chúng về lịch sử văn hóa địa phương và dân tộc, tạo điểm nhấn trong hoạt du lịch quảng bá địa phương.

Tháp Chí Nghĩa tạo điểm kết nối phát triển công nghiệp văn hóa

Tại hội thảo chiều 11/5, các đại biểu đã cho ý kiến về việc xây dựng tháp Chí Nghĩa và các hạng mục phụ trợ nằm trong dự án khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Tên gọi tháp Chí Nghĩa được lấy ý tưởng từ câu thơ bất hủ “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi.

Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4
Phối cảnh tổng thể của khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi

Theo thiết kế, tháp Chí Nghĩa sẽ là điểm nhấn kiến trúc của khu vực, gồm 7 tầng nổi xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và 1 tầng bán hầm, kết hợp các vật liệu truyền thống. Bên trong là hệ thống nội thất thể hiện cuộc đời, thân thế sự nghiệp, công trạng... của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến đóng góp, tham luận của PGS. TS Đặng Hồng Sơn (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà điêu khắc Đoàn Bằng (trưởng khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hoạ sỹ Lê Văn Hải (nguyên Phó Cục trưởng cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng nhiều chia sẻ tâm huyết.

Tháp Chí Nghĩa - điểm nhấn văn hóa bên đường vành đai 4
PGS. TS Đặng Hồng Sơn (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà điêu khắc, họa sỹ và các đại biểu tham gia.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín, xây dựng tháp Chí Nghĩa nhằm mục đích khắc họa cuộc đời, thân thế, sự nghiệp vĩ đại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi; Đồng thời, phục vụ việc thăm viếng, giới thiệu lịch sử - văn hóa, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tới thăm quan khu lưu niệm.

"Tháp Chí Nghĩa là điểm nhấn về văn hoá, kiến trúc, lịch sử toạ lạc bên cạnh đường vành đai 4. Đây sẽ là công trình quan trọng để huyện Thường Tín phát triển công nghiệp văn hóa theo nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội", đồng chí Nguyễn Tiến Minh cho hay.

Dự kiến, tháp Chí Nghĩa và khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2024.

Vũ Cường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động