Bài 4: Giữ gìn bản sắc, vươn mình hội nhập quốc tế
Bài 3: Thách thức nào khi quảng bá văn hóa qua ngành công nghiệp tỷ đô? Bài 2: Khơi dậy và tiếp lửa cho tình yêu di sản Bài 1: Giải mã sức hút của những clip triệu view |
Công nghiệp văn hóa tạo sức bật để đất nước vươn mình
Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trước đó nêu rõ, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, cần tập trung vào việc ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến.
Để đạt được mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành động lực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc phát triển các sản phẩm văn hóa và tận dụng các nền tảng kỹ thuật số. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp các sản phẩm của làng nghề Việt Nam tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội quảng bá văn hóa đất nước.
![]() |
Giới trẻ chủ động và tích cực quảng bá di sản, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài |
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới, Đảng ta đã đề ra chủ trương hội nhập quốc tế, trước là hội nhập kinh tế, sau là hội nhập toàn diện. Về văn hoá, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hoá có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Những nội dung này đều được nhấn mạnh trong bài phát biểu “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm và nhất quán trong Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định mạnh mẽ: “Văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đổi mới và hiện đại hóa để phù hợp với thời đại. Mục tiêu là xây dựng con người Việt Nam giàu bản sắc dân tộc: Yêu nước, nhân ái, sáng tạo, hội nhập mà không hòa tan. Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một động lực kinh tế và sức mạnh mềm quốc gia cũng cần được chú trọng”.
Trao quyền cho thế hệ “vừa giữ lửa, vừa thắp sáng”
Tại cuộc đối thoại với thanh niên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao các bạn trẻ đã luôn xung kích, tiên phong trong hội nhập quốc tế, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này thể hiện qua việc thanh niên luôn đi đầu trong việc số hóa dữ liệu về các di sản văn hóa, các địa chỉ đỏ; tạo nhiều nền tảng trực tuyến đã giới thiệu nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã kết hợp, lồng ghép âm nhạc dân gian với nhạc đương đại, thu hút số lượng kỷ lục người xem. Thủ tướng cũng lấy ví dụ tác phẩm "Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy chính là đã góp phần quốc tế hoá nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ra thế giới và dân tộc hoá văn minh nhân loại vào đất nước ta.
Có thể thấy rõ, với những sản phẩm công nghiệp văn hóa, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của giới trẻ và lòng yêu nước trong thời gian vừa qua, giới trẻ đang khẳng định vị thế nòng cốt trong vấn đề hội nhập và quốc tế hóa bản sắc văn hóa. Điều này cảng khẳng định sứ mệnh của tầng lớp thanh niên trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Trong kỷ nguyên vươn mình, giới trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới, mang theo hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhắc đến vấn đề hội nhập quốc tế sâu rộng và vai trò của thế hệ trẻ. Bài viết đề cập: “Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ cũng cần được giáo dục, bồi dưỡng để luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam. Văn hóa không chỉ giúp định hình bản sắc quốc gia mà còn là sức mạnh mềm quan trọng, giúp Việt Nam khẳng định vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế. Đồng thời, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần nhân văn sâu sắc và ý thức trách nhiệm xã hội cao phải được bồi dưỡng thường xuyên, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ có đủ năng lực và nhân cách để đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội và thế giới”.
Tổng Bí thư giao cho thanh niên Việt Nam một trong những nhiệm vụ quan trọng: "Cần tự tin bước ra thế giới, mang theo hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam”.
Vì thế, theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, thực tế cho thấy, các nước phát triển, các cường quốc thế giới và khu vực đều ưu tiên phát triển giáo dục toàn diện, tăng cường thể chất và bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là những bài học quốc tế mà chúng ta cần áp dụng để xây dựng một thế hệ thanh niên xuất sắc, đảm bảo đất nước vững bước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Giữa bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, trào lưu quốc tế len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, thì việc gìn giữ hồn cốt văn hóa lại càng trở nên cấp thiết. Thanh niên cần được giáo dục tốt về di sản, “để khi hiểu sẽ yêu” di sản và để di sản tiếp cận nhiều hơn đối với giới trẻ.
Ông Sơn cho rằng, cần hình thành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và hoạt động giáo dục di sản; thành lập, phát triển các quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa cho thanh niên; xây dựng không gian sáng tạo văn hóa dành cho giới trẻ tại các đô thị và địa phương; khuyến khích số hóa, sáng tạo nội dung văn hóa trên nền tảng số...
Bên cạnh đó, chú trọng đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa trên cơ sở đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
“Nếu cha ông chúng ta từng xông pha trên chiến trường để bảo vệ đất nước thì thanh niên hôm nay cũng đang đảm đương một nhiệm vụ không kém phần quan trọng - đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Họ cần được trao quyền, khuyến khích sáng tạo và đồng hành” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.