Bài 2: Khơi dậy và tiếp lửa cho tình yêu di sản
Bài 1. Giải mã sức hút của những clip triệu view Phân cấp, ủy quyền quản lý di sản cho cấp xã |
Khao khát tìm lối đi cho di sản
Tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, công chúng ấn tượng với dự án “Đông Hồ mới - Bộ lưu niệm tượng 3D Đông Hồ và set tô tượng” của nhóm Đông Hồ mới gồm 5 sinh viên đến từ Khoa Nội thất - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Dự án này đã xuất sắc giành giải Nhì của cuộc thi.
Trước nguy cơ dòng tranh Đông Hồ bị mai một, 5 sinh viên: Lưu Thủy Nguyên, Phạm Thị Dung, Nguyễn Phạm Thu Trang, Trần Thị Thủy Trang và Vũ Huy Hoàng đã rất vất vả, nỗ lực tìm tòi và đưa ra những ý tưởng có thể hiện thực hóa di sản trong đời sống đương đại. Các bạn trẻ liên tục ngược xuôi với hành trình Hà Nội – Bắc Ninh để gặp gỡ nghệ nhân, thợ lành nghề, trực tiếp xem – nghe – làm tranh và đắm mình vào không gian di sản của những “Vinh hoa phú qúy”, “Hái dừa”, “Đánh ghen”, “Mục đồng thổi sáo”, “Đám cưới chuột”...
![]() |
5 sinh viên: Lưu Thủy Nguyên, Phạm Thị Dung, Nguyễn Phạm Thu Trang, Trần Thị Thủy Trang và Vũ Huy Hoàng với dự án 3D hóa di sản tranh Đông Hồ |
Dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, nhóm đã 3D hóa tranh Đông Hồ, bằng cách ứng dụng công nghệ đồ họa, kết hợp in 3D hiện đại, nhóm đã phát triển tranh dân gian Đông Hồ với hình thức mới, phủ màu, dát vàng và hoàn thiện để sản phẩm thực sự trở thành những tác phẩm hiện hữu mang hình hài và cốt cách Đông Hồ.
TS. Phạm Đình Khuê - Trưởng Phòng Chính trị công tác sinh viên - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, nhóm Đông Hồ mới đã chọn hướng đi đúng.
![]() |
Gian trưng bày của nhóm Đông Hồ mới tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 |
“Chúng ta đã thấy người Nga có bộ búp bê rất nổi tiếng để làm quà tặng cho du khách nước ngoài, hay du khách đến Singapore thường mua quà tượng sư tử, đến Malaysia mua quà tặng là hình tượng tháp đôi… Nếu sản phẩm tranh 3D Đông Hồ này được đầu tư để trở thành một sản phẩm lưu niệm giống như vậy thì bên cạnh giá trị kinh tế đem lại, giá trị quảng bá văn hóa Việt Nam cũng sẽ rất lớn” - TS. Khuê nói.
![]() |
Di sản tranh Đông Hồ sống động và hiện hữu qua các sản phẩm trang trí nội thất được nhóm bạn trẻ thực hiện |
Game hóa di sản – hướng đi đầy sáng tạo
Còn nhớ, khoảng cuối năm 2020, cộng đồng những người yêu sử Việt "dậy sóng" với sự xuất hiện của bộ tranh về 16 nhân vật lịch sử như Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... Đây là bộ tranh nằm trong dự án Đại Việt Kỳ Nhân do Founder Tô Quốc Nghi (sinh năm 1989 sáng lập. Dự án minh họa lại hình ảnh và câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như các vị vua, quan, binh sĩ… thông qua boardgame, sách, lịch, tượng resin…
Giờ đây, Đại Việt Kỳ Nhân đã trở thành một dự án games với hàng trăm nhân vật lịch sử như các vị vua, quan, binh sĩ… được tái hiện sống động trên các thẻ bài. Không dừng lại ở những bức vẽ minh hoạ, với luật chơi đòi hỏi khả năng ghi nhớ bối cảnh, câu chuyện lịch sử gắn với từng nhân vật, Đại Việt Kỳ Nhân đã giúp người chơi ôn luyện lịch sử trong những phút giây giải trí.
Đến nay, dự án đã vẽ trên 300 nhân vật bao gồm các vị vua, tướng, binh sĩ, các làng nghề, nghệ sĩ nhân dân…Tuy chỉ là tranh minh họa, nhưng để đảm bảo mức độ chính xác về lịch sử, dự án sử dụng thông tin từ các nguồn tư liệu có sẵn và uy tín như sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Nam thực lục hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa.
![]() |
Đại Việt Kỳ Nhân đã trở thành một dự án games với hàng trăm nhân vật lịch sử sống động và hấp dẫn các bạn trẻ |
Đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), du khách có cơ hội tham gia trò chơi “game hoá di sản”. Chỉ bằng một thao tác đăng nhập đơn giản, làm theo hướng dẫn trên ứng dụng điện thoại họ sẽ vượt qua các thử thách gắn với các điểm di sản nổi tiếng tại làng cổ Đường Lâm.
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Cao Minh Thắng – Phó Viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT cho biết, trên thực tế, Việt Nam hiện đứng top 5 về nhà cung cấp game toàn cầu. Với 200 công ty game, mỗi công ty cùng bắt tay đưa văn hóa vào game thì sức lan tỏa về di sản, văn hóa Việt sẽ vô cùng hiệu quả. Game mang đến cho người chơi một không gian ảo được tái hiện chân thực về di sản văn hóa. Việc sử dụng game trong khám phá văn hóa, lịch sử tại Việt Nam sẽ không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mà còn tạo ra những trải nghiệm giáo dục, giải trí độc đáo cho người chơi, đóng góp vào việc xây dựng và lan tỏa nhận thức về văn hóa Việt Nam trong cộng đồng cũng như mở đường cho một ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Ông Thắng hé lộ, tới đây, CDIT sẽ hỗ trợ nghiên cứu lồng những câu chuyện llịch sử, văn hóa, di sản văn hóa vào game để lan tỏa và quảng bá di sản Việt.
“Game thực sự có tiềm năng lớn trong việc khám phá và trải nghiệm các câu chuyện văn hoá, lịch sử tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất cần sự hợp tác và phối hợp giữa các đơn vị phát triển game với chuyên gia văn hóa cũng như các cơ quan quản lý để khai thác tốt hơn tiềm năng của ứng dụng này. Bởi muốn phát huy giá trị di sản văn hoá, trước hết phải giữ gìn đúng hồn cốt ban đầu và lịch sử phải là sự thật, không thể vì đó là game mà sẵn sàng chấp nhận tính ước lệ một cách mơ hồ" - ông Thắng nói.
Tiếp cận đúng mục tiêu, đối tượng tiềm năng
Có thể nói, thanh niên chính là lực lượng trẻ, nhanh nhạy nhất trong việc tiếp cận nền tảng số. Nắm bắt điều này, mới đây, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam và Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, nền tảng TikTok ra mắt chiến dịch "Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số". Đây là một chiến dịch ý nghĩa mà TikTok sẽ đóng vai trò cầu nối, khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung về di sản, kết hợp công nghệ để làm sống động các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam cho biết, có những phiên live trên TikTok về văn hóa thu hút cả triệu lượt xem, điều này cho thấy công nghệ đã đóng vai trò lan tỏa văn hóa mạnh mẽ nhất.
![]() |
Các bạn trẻ trình diễn hát Xẩm |
Với chiến dịch này, các đơn vị đồng hành sẽ tập trung vào lan tỏa các di sản Việt Nam trên nền tảng Tiktok thông qua chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam trên TikTok, kêu gọi cộng đồng sáng tạo nội dung về di sản nước nhà; Trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp người dùng khám phá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật qua không gian số.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam và nền tảng TikTok sẽ phối hợp tổ chức các chuyến đi thực tế đến các địa phương có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhằm ghi hình và sáng tạo nội dung về di sản. Đồng hành trong hành trình này là những nhà sáng tạo nội dung được yêu thích trên TikTok như: Phạm Đức Anh (@ducanh94), Giao Cùn, Mèo Trái Đất, Ninh TiTo, Cee Jay, Mạnh Tiến Khôi, Đinh Trang Thảo, Hoàng Hôn, Tiểu Ngáo, Cường Cao…
Chia sẻ cách thu hút các bạn trẻ tiếp cận với di sản của dân tộc, Hà Myo, cô ca sĩ đưa xẩm đến với khán giả bằng hình thức thể hiện mới mẻ bày tỏ: “Chỉ đơn giản là những video ngắn, podcast, tranh, ảnh, hội họa, nhưng cách làm phải mới mẻ, làm sao để các bạn trẻ trước tiên phải hiểu những gì chúng ta muốn truyền tải, từ đó để bạn bè quốc tế hiểu, yêu và tiếp tục lan tỏa văn hóa Việt. Để làm được điều này, bản thân những nhà sáng tạo nội dung phải hiểu và yêu di sản trước tiên”.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa bày tỏ quan điểm, cần hiểu rõ vai trò của giới trẻ trong việc giúp di sản văn hóa có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Thực tế, nhiều địa phương đã bắt tay triển khai xây dựng hoạt động gắn kết di sản với giới trẻ và phát huy hiệu quả rất rõ. Giới trẻ nhiệt tình tham gia và hưởng ứng. Tình yêu với di sản của họ cũng vì thế được nhân lên và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội: Giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển văn hóa vì chính sự năng động, sáng tạo của họ đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho các hiện tượng văn hóa. Từ đó, văn hóa phù hợp hơn với bối cảnh thời đại. Chúng ta thấy, nhiều sản phẩm nghệ thuật ngày hôm nay qua bàn tay, tài trí của giới trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn của người dân thế giới. Ví dụ, những sản phẩm của các ca sĩ trẻ với chất liệu âm nhạc dân gian của Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Hà Myo, Hòa Minz… đang rất được giới trẻ trong nước và thế giới quan tâm. Tôi nghĩ, sự sáng tạo đó cần trở thành xu hướng chứ không phải đơn lẻ. Để lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam, rất cần bàn tay, khối óc của giới trẻ. |
(Còn nữa)