“Quốc tế hóa” văn hóa và khát vọng vươn mình

Bài 1: Giải mã sức hút của những clip triệu view

Trong thời gian qua, thanh niên Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ở lĩnh vực văn hóa, các bạn trẻ cũng là lực lượng đi đầu trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, số hóa dữ liệu về các di sản văn hóa, các địa chỉ đỏ; quảng bá nghệ thuật trên các nền tảng trực tuyến. Họ chính là những “đại sứ” không chỉ góp phần “quốc tế hóa” văn hóa Việt Nam mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Phát lộ nhiều dấu tích khảo cổ cần được giải mã tại Chính điện Kính Thiên Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục giải mã kiệt tác của Henrik Ibsen với vở kịch “Hedda Gabler”

Bằng cách đưa văn hóa truyền thống vào âm nhạc, đào sâu” chất liệu dân gian trên nền nghệ thuật đương đại, các bạn trẻ hiện nay đang góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt trên nền tảng số.

Từ “cơn địa chấn” của làng nhạc Việt

Cách đây không lâu, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy ra mắt đã trở thành “cơn sốt” trong công chúng yêu nhạc.Sau hơn một ngày ra mắt, “Bắc Bling” của cô gái xứ Kinh Bắc đã tạo nên cơn sốt trên các nền tảng mạng xã hội và nhanh chóng lên vị trí Top 1 thịnh hành YouTube Việt Nam, lan tỏa rộng rãi, trở thành hiện tượng của làng nhạc cả nước và vươn tầm quốc tế.

Điều gì khiến “Bắc Bling” trở thành cơn “địa chấn”? Theo TS Bùi Văn Tuấn, Đại học Thủ đô, đây không chỉ là một sản phẩm âm nhạc, mà còn là một câu chuyện đậm chất dân gian, được kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hơi thở hiện đại. Tác phẩm có ca từ gần gũi, như một cách quảng bá văn hóa, du lịch tỉnh: “Mời anh về Bắc Ninh em chơi thăm. Lễ hội nô nức đông vui quanh năm”. Từ tình yêu sâu sắc dành cho quê hương Bắc Ninh cũng như mong muốn tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa nơi đây, cô ca sĩ này đã lồng vào MV những hình ảnh mang nét đặc trưng của vùng quê Bắc Ninh, đó là nón quai thao, là làn điệu quan họ trên nền âm nhạc đương đại, là ngôi chùa Dâu, làng Diềm, gốm Phù Lãng, những di sản văn hóa vật thể nổi tiếng của vùng Kinh Bắc.

Bài 1: Giải mã sức hút của những clip triệu view
Ca sĩ Hòa Minzy trong MV "Bắc Bling"

Và ngay lập tức, sau thành công của MV, tỉnh Bắc Ninh đã tận dụng sức hút, nhanh chóng triển khai chương trình tour du lịch miễn phí mang tên "Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh – Sắc màu di sản". Động thái của địa phương này được đánh giá là khá nhạy bén, giúp chuyển hóa sự quan tâm của công chúng trên nền tảng số thành những hành động du lịch thực tế.

Chuyên gia văn hóa Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội đánh giá, khi MV có thể khiến hàng triệu người chú ý, khiến khán giả trẻ bắt đầu tò mò về quan họ, tìm nghe lại những câu hát cổ, thì đó chính là cách để bảo tồn di sản. “Đôi khi, để di sản sống mãi, nó không chỉ cần được lưu giữ mà còn cần được tiếp tục thở trong nhịp sống hiện đại” – ông nói.

TikToker kể chuyện di sản bằng ngôn ngữ trẻ

Đưa di sản văn hóa vào âm nhạc để quảng bá trên nền tảng số không phải là điều mới mẻ. Cách đây vài năm, Hoàng Thùy Linh đã từng thành công với hướng đi này. MV "Để Mị nói cho mà nghe" của cô gái này đã góp phần quảng bá hình ảnh của rẻo cao vùng Tây Bắc, ngôi nhà thống lý Pá Tra, nếp nhà của đồng bào Mông; hay “Tứ Phủ" cũng mang tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản văn hóa phi thể được UNESCO công nhận thông qua tạo hình, vũ đạo và nội dung bài hát.

Tiếp đến là Hà Myo, cô ca sĩ đã mang nghệ thuật hát Xẩm, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đến với giới trẻ thông qua nền tảng Tiktok bằng những video vô cùng sáng tạo. Cùng với đó là sự kết hợp giữa phong cách hiện đại với nhạc điện tử đã đưa hát xẩm vượt ra khỏi giới hạn của một dòng nhạc dân gian, đáp ứng thị hiếu của giới trẻ. Nhiều lần mang xẩm đi trình diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, Hà Myo cảm thấy hãnh diện và xúc động vì qua những giai điệu đó, bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa, về nền nghệ thuật của Việt Nam.

Không chỉ là văn hóa dân gian, di sản phi vật thể, các danh lam, thắng cảnh của các vùng miền cũng được các bạn trẻ tiếp cận và quảng bá bằng góc nhìn hiện đại và lôi cuốn. Gần đây, TikToker Chảo Thị Yến (Bát Xát, Lào Cai) được các bạn trẻ nhắc đến như một hướng dẫn viên du lịch của các bản làng. Vốn là người Dao, Chảo Thị Yến chọn cách khai thác giản dị để toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người dân tộc thiểu số. Văn hóa bản làng, tập tục truyền thống, trang phục, lễ hội… được cô gái khai thác một cách chân thực và sống động. Cùng với lời kể hóm hỉnh, mỗi những video clip của Yến hấp dẫn và lôi cuốn cả vài chục nghìn người xem và tương tác.

Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và rạp trong Xẩm Hà Nội được Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ
Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và rạp trong Xẩm Hà Nội được Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ

Cô gái này bộc bạch: “Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa của bà con. Do đó, việc làm clip quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người dù chỉ lướt điện thoại vẫn có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao; tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Xa hơn là đưa văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến với bạn bè quốc tế".

Có thể thấy, bằng tình yêu, sự đam mê và sáng tạo không ngừng, các bạn trẻ đã biết tận dụng nền tảng số, mạng xã hội, trở thành những đại sứ văn hóa thực thụ, góp phần truyền tải, quảng bá bản sắc văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định, việc một số bạn trẻ làm video, clip đăng trên các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube với nội dung quảng bá văn hóa vùng miền chứng tỏ thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với văn hóa dân tộc. Việc làm này đang giúp những giá trị truyền thống của nước nhà có thêm sức sống trong bối cảnh mới. Vì thế, cần phải tìm cách để khơi dậy tình yêu đó.

Bài 1: Giải mã sức hút của những clip triệu view
Chảo Thị Yến, cô gái vùng cao góp phần giới thiệu văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua nền tảng Tiktok

Lê Tuấn Khang, nam TikToker miền Tây chân chất, sáng tạo nội dung từ cuộc sống quê nhà, cũng là một gương mặt bạn trẻ hot hiện nay. Những clip của Khang thu hút hàng trăm triệu lượt xem nhờ mộc mạc và phong cách hài hước gần gũi. Từ câu chuyện đi ăn đám giỗ bên cồn, nhưng lại được xây dựng khéo léo với kỹ thuật cài cắm tinh tế, hài hước để khi xem khán giả thấy cuộc sống và văn hóa miền Tây rất đỗi dung dị, thân quen và mộc mạc.

Bài 1. Giải mã sức hút của những clip triệu view
Tiktoker Lê Tuấn Khang với những clip hàng trăm triệu lượt view

“Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của một bộ phận bạn trẻ làm clip về những nội dung như vậy. Họ đã trở thành cầu nối, đưa văn hóa Việt Nam, văn hóa vùng miền, các dân tộc đến gần hơn với người xem. Cách làm như vậy rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng. Việt Nam là quốc gia có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, nếu biết cách phát huy, tăng cường quảng bá văn hóa trên không gian mạng còn là cách để chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu và có thêm nhiều người nhận thức đúng đắn, hành vi tích cực với văn hóa đất nước" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

(Còn nữa)

Thái Sơn
Phiên bản di động