“Quốc tế hóa” văn hóa và khát vọng vươn mình

Bài 3: Thách thức nào khi quảng bá văn hóa qua ngành công nghiệp tỷ đô?

Game online là trò chơi giới trẻ tiếp cận nhanh nhất. Game cũng được xem là ngành công nghiệp văn hóa tỷ đô. Nắm bắt điều này, nhiều đơn vị đã chú trọng game hóa di sản, từ đó, góp phần quảng bá, phát huy giá trị văn hóa và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bài 2: Khơi dậy và tiếp lửa cho tình yêu di sản Bài 1: Giải mã sức hút của những clip triệu view

Xoay quanh vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Học viện Bưu chính Viễn thông) – TS Cao Minh Thắng đã có cuộc trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

PV: Thưa ông, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDiT) từng tiên phong triển khai nhiều dự án số hóa, game hóa di sản. Ông thấy hướng đi này mang đến lợi ích thiết thực như thế nào trong quảng bá bản sắc văn hóa, hội nhập quốc tế?

TS Cao Minh Thắng: Chúng ta sở hữu một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Phải nói rằng, 20 năm qua, chúng tôi đã triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Chúng tôi luôn trăn trở tìm cách để làm sao mọi người có thể nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận được di sản đó hiện hữu, gần gũi với đời thường.

Trước đây, khi tìm hiểu về lịch sử, đến bảo tàng xem các hiện vật, ta cần có người có thuyết minh. Nhưng ở thời điểm công nghệ số như bây giờ, không nhất thiết phải làm điều đó mà bạn có thể ngồi bất cứ đâu để kết nối internet, rồi truy cập vào không gian số. Thậm chí, ở đó, những nhà khoa học cũng có thể truy cập để lấy dữ liệu để phục vụ cho các công trình nghiên cứu.

Ví dụ: Chiếc trống đồng Cổ Loa mà chúng tôi từng số hóa, mức độ chính xác đến hàng nghìn micromét, không khác gì phiên bảo thực ngoài đời. Khi có dữ liệu số về trống đồng đó rồi thì chúng ta có thể đưa nó vào đời thực; có thể in 3D ra để tạo ra chiếc khóa; hoặc thấy được hoa văn, họa tiết vào các sản phẩm thời trang hoặc có thể chia sẻ, bán thông tin dữ liệu đó dưới hình thức trò chơi, game để cuốn hút giới trẻ. Đưa di sản vào đời thực, chính là cách quảng bá rộng rãi và hiệu quả nhất.

Bài 3. Thách thức nào khi quảng bá văn hóa bằng ngành công nghiệp tỷ đô?
TS Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Học viện Bưu chính Viễn thông) giới thiệu về việc số hóa dữ liệu di sản.

PV: Với những dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lan tỏa, quảng bá di sản văn hóa từng triển khai, ông tâm đắc với dự án nào nhất?

TS Cao Minh Thắng: Giai đoạn năm 2016 – 2017, chúng tôi thực hiện giải pháp triển lãm số để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trước đó, Bộ TTTT triển khai theo cách truyền thống, tức là mang hiện vật đi trưng bày khắp cả nước. Nhưng số lượng tư liệu hiện vật rất đồ sộ với hơn 400 tư liệu, trong đó có những tư liệu bằng Hán văn nên người trẻ đọc sẽ khó hiểu. Thêm nữa, hiện vật còn là những chiếc tàu vỡ, khối lượng lớn. Nếu mang đầy đủ đi triển lãm sẽ là một thách thức lớn, nhất là mang đến vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi đã tìm ra cách số hóa những hiện vật, tư liệu đó và tích hợp trong một triển lãm số. Đối với người tham quan, thay vì nghe thuyết minh, họ có thể chủ động dùng máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại để tìm hiểu thông tin, cho phép người dùng xem gì thì tùy họ. Khi công chúng tiếp cận, họ phá bỏ rất rào cản, không phụ thuộc vào hướng dẫn viên nữa.

Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” khi đó đã thực sự thành công ở tại 63 tỉnh thành triển lãm, sau đó, chúng tôi còn đưa lên nền tảng số bằng ngôn ngữ nước ngoài. Đó là dự án chúng tôi tâm đắc nhất. Điều đó khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể dùng công nghệ để lan tỏa di sản, phát huy giá trị văn hóa nói chung.

PV: Thưa ông, thách thức nào trong công tác số hóa, game hóa di sản hiện nay?

TS Cao Minh Thắng: Đối với số hóa, game hóa di sản điều trước tiên là phải tiếp cận được nguồn tư liệu gốc. Bản thân chúng tôi là dân công nghệ, để tiếp cận được thì phải có những chuyên gia trong lĩnh vực đó như khảo cổ học, lịch sử. Sau đó, lại phải tìm cách nào để số hóa. Đối với các công trình lớn thì phương pháp số hóa lại khác, đối với hiện vật tinh xảo thì số hóa cũng khác.

Ngoài ra, khi tích hợp tất cả dữ liệu đó vào một không gian số còn phải có kịch bản, để làm sao câu chuyện về di sản văn hóa đó chạm đến cảm xúc của người xem. Do đó, khi dùng công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thì đòi hỏi phải có tính liên ngành.

Tôi cho rằng, điều quan trọng để thúc đẩy game hóa di sản, văn hóa trong thời gian tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa là cần có sự hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức văn hóa, và các nhà phát triển trò chơi để đảm bảo rằng các dự án game hóa này không chỉ hấp dẫn mà còn chính xác và tôn trọng giá trị văn hóa.

Như chị biết, 5 năm trở lại đây, game online ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Game cũng xác định là ngành công nghiệp văn hóa nhưng chúng ta chưa chú trọng đến ngành công nghiệp tỷ đô này.

Bài 3. Thách thức nào khi quảng bá văn hóa bằng ngành công nghiệp tỷ đô?
TS Cao Minh Thắng cho rằng, quảng bá văn hóa, du lịch bằng công nghiệp game là một hướng đi vô cùng hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Doanh thu ngành game tại Việt Nam được dự đoán đạt 1,66 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng đều 9,77% mỗi năm, chạm mốc 2,42 tỷ USD vào năm 2029.

Thị trường game cũng thu hút hàng nghìn nhân sự chất lượng cao. Với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, chúng tôi nghĩ là hoàn toàn khả thi khi đưa văn hóa vào, để quảng bá một cách rất tự nhiên và rộng rãi. Với mỗi game, có hàng tỷ lượt chơi. Họ vừa chơi, vừa tìm hiểu về lịch sử, về nhân vật, về văn hóa. Một MV của ca sĩ vừa phát hành có khoảng 100 triệu view, nhưng một game thì cả tỷ lượt tải, trong đó người chơi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Như vậy, chẳng phải đó là cách lan tỏa, quảng bá văn hóa và giữ gìn bản sắc, hội nhập quốc tế sao?

CDiT có một thuận lợi là sinh viên vừa là đối tượng đào tạo, vừa được tham gia vào thực hành. Những bài tập giờ đây không còn là mô phỏng mà là thực tế. Với những sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện, ngành game, các em nhận được những bài tập làm sao để phát triển giá trị văn hóa, buộc sinh viên phải thể hiện ý tưởng của mình.

Điều tôi nhận ra là, các bạn trẻ rất hào hứng với những bài tập đó và trả lại sản phẩm vô cùng sáng tạo. Điều đó lý giải vì sao MV “đình đám”, game hot trong phát huy di sản, văn hóa của Việt Nam gần đây đều đến từ các bạn trẻ. Tôi rất hy vọng, trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần này.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Thái Sơn
Phiên bản di động