Bài 3: Những tai nạn khóc dở mếu dở tại các trung tâm Anh ngữ
Bài 2: Trung tâm Anh ngữ quảng cáo trên trời, chất lượng... dưới mặt đất Bài 1: Trung tâm Anh ngữ phủ sóng từ đời thực đến ‘cõi face’ |
Đang học, trung tâm Anh ngữ đột ngột đóng cửa
Chị Ngọc Hưởng, phụ huynh của bé Sâu 4 tuổi cho biết: Thời gian trước, chị đăng ký cho bé Sâu học ở trung tâm Anh ngữ TABB có địa chỉ tại 39 Phú Đô, Tổ 3, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm.
“Khu vực Phú Đô ít trung tâm tiếng Anh, ban đầu, đây là cơ sở liên kết với trường mầm non, mượn phòng học ngay tại trường. Nhờ thuận tiện đón con, giá cả không quá đắt đỏ lại có camera nên mình yên tâm cho con học luôn. Trung tâm có giáo viên nước ngoài dạy cùng giáo viên Việt Nam.
Thời gian sau, trung tâm Anh ngữ TABB mở riêng tại địa chỉ gần trường mầm non. Các cô bên trung tâm đưa đón con từ trường về trung tâm để học. Con đi học về vẫn vui vẻ, đột nhiên trung tâm không hoạt động nữa. Các cô giáo dạy học ở đó cũng không biết trước sự việc, chỉ biết là không liên lạc được với cô hiệu trưởng - người đứng đầu trung tâm. Facebook của cô hiệu trưởng cũng khóa luôn, fanpage của trung tâm cũng khóa”, chị Hưởng cho biết.
Trung tâm Anh ngữ TABB nơi con chị Hưởng từng học. Ảnh NVCC |
Lúc đó, chị Hưởng và hàng loạt phụ huynh khác mới nháo nhào lên vì số tiền đã nộp trước lên tới cả chục triệu đồng do đóng liền nhiều khóa để được hưởng khuyến mãi. Trong khi trên thực tế mới học được nửa khóa.
Bản thân chị Hưởng đóng tiền mua 4 khóa vì theo như nhân viên tư vấn đóng nhiều sẽ được chiết khấu hưởng mức giá tốt nhất. Mỗi khóa là 2,8 triệu đồng sau khi đã giảm giá. Theo như lời chị Hưởng, có một phụ huynh khác cũng đóng 4 khóa cho 2 đứa con cùng học tại trung tâm này. Chị gặp khoảng 20 phụ huynh đang cố gắng tìm cách liên hệ với hiệu trưởng để đòi tiền lại như mình còn số lượng người cụ thể chịu thiệt hại sau khi trung tâm đột ngột đóng cửa có thể lớn hơn thế.
“Phụ huynh tìm đủ mọi cách liên hệ với nhà trường, tìm cả người quen của cô hiệu trưởng mới tìm được người nhà của cô đó. Sau 3-4 lần gặp mặt nói chuyện, người nhà cô hiệu trưởng đứng ra trả lại tiền cho phụ huynh học sinh. Mình lấy lại được hơn 7 triệu. Còn cô hiệu trưởng vẫn bặt tăm, không một lời giải thích”, chị Hưởng chia sẻ.
Việc trung tâm tiếng Anh TABB đóng cửa đột ngột dễ làm liên tưởng đến việc trung tâm Anh ngữ MST có cô giáo mắng học sinh là “lợn” nổi đình đám trong năm 2018, cũng buộc phải đóng cửa sau khi bị phát hiện là trung tâm “chui” không giấy phép. Lúc đó, các học viên của MST cũng khốn khổ với việc đòi lại tiền học phí. Có người phải dùng chiêu kéo đến trung tâm làm um lên, quay clip và dọa đăng lên mạng mới lấy lại được tiền. Nhiều người ngậm ngùi cho qua chuyện vì ngại rắc rối với kiện tụng và việc đòi tiền cần kiên trì, rất mất thời gian.
Nộp tiền học thì dễ, muốn rút ra… hãy đợi đấy
Trên mạng xã hội, một số học viên cũ của trung tâm English Anh Thầy với slogan rất kêu “Dạy tiếng Anh theo phương pháp Toán học” kêu trời vì trót dại nộp tiền mua khóa học “Trọn đời” mà muốn lấy lại thì bị đáp trả phũ phàng.
Theo lời của N.T, sinh viên đại học Kinh doanh Công nghệ, T và bạn đến học thử tại trung tâm English Anh Thầy và đã đóng học khóa 1 hết 5 triệu. Trong thời gian học khóa 5 triệu, bạn T mua thêm combo các khóa học khác với giá 15 triệu. Sau khi học xong khóa 5 triệu, các bạn rất thất vọng với chất lượng dạy ngoại ngữ không giống như cam kết và muốn hoàn lại số tiền combo 15 triệu cho 10 khóa học chưa học buổi nào.
Tố cáo của học viên English Anh Thầy đăng trên facebook |
Tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ chối phũ phàng trong khi trung tâm cam kết chất lượng không đạt sẽ trả lại tiền. Khi học viên này hỏi lý do thì trung tâm lật lọng là cam kết trả lại tiền khi chất lượng không đạt chỉ dành cho khóa 5 triệu thôi, không phải cho khóa 15 triệu. Trong khi đó, học viên này cũng cho biết thêm là đã đóng tiền từ tháng 12/2018 nhưng đến nay, trung tâm English Anh Thầy vẫn chưa mở đủ 10 khóa bạn đăng kí. Khi thắc mắc là bao giờ mở đủ khóa thì được trả lời rằng trung tâm chỉ ghi các khóa đấy thôi, thời gian mở thì chưa báo cụ thể được.
“Em muốn kiện nhưng mới thấy lại là ngay từ đầu lúc đóng tiền học đã bị lừa. Mọi phiếu thu học phí của học viên đề không có dấu đỏ công ty và chữ kí giám đốc mà chỉ có chữ kí trợ giảng. Trung tâm có duy nhất một giáo viên và là giám đốc trung tâm luôn”, bạn T chia sẻ.
Chi bạo cho con học trung tâm xịn, con thêm… sợ tiếng Anh
Chị Thanh Hằng lại có một trải nghiệm không mấy dễ chịu với trung tâm Anh ngữ quốc tế nổi tiếng vào dạng bậc nhất Hà Nội với mức học phí gần 20 triệu đồng/khóa. Con trai chị bạo dạn nhưng không giỏi tiếng Anh. Để gieo tình yêu cho con với môn ngoại ngữ, chị tìm đến địa chỉ trung tâm nổi danh với các khóa học trẻ em với demo chương trình, các hoạt động ngoại khóa vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng không giống nhiều học viên khác, con trai chị càng học tại đây lại càng ngại nói, lại thêm sợ môn tiếng Anh.
Cho con theo 2 khóa học liên tiếp, chị không thấy con tiến bộ cộng với việc con tỏ ra không vui vẻ khi đi học tại trung tâm, chị đành cho con nghỉ và chọn một phương án khác cải thiện tiếng Anh cho con.
Một giáo sư đại học quốc tế từng nhận xét rằng người Việt Nam tốn rất nhiều tiền học tiếng Anh nhưng không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng có một nguyên nhân quan trọng là họ mắc phải cãi bẫy ngọt ngào mà các trung tâm tiếng Anh thiếu chuyên nghiệp, không uy tín giăng sẵn.
Trong bài tiếp theo, báo Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục hé lộ về các chiêu “móc túi” người học tiếng Anh.