"Chìa khóa" để khơi thông nguồn lực, phát huy giá trị di tích đền Rừng

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…

Với một vị trí đắc địa ven sông Hồng, di tích đền Rừng đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Song, để điểm di tích này “tỏa sáng”, rất cần một kế hoạch, nghiên cứu khoa học bài bản và sự đầu tư có trọng điểm.
Hà Nội: 17 di tích được trao bằng xếp hạng cấp thành phố Hà Nội: Gần 600 di tích được bổ sung sau kiểm kê

Trăn trở về không gian sáng tạo bên bờ sông Hồng

Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch cũng định hướng có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của TP Hà Nội. Tại đây, cần xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông, cảng sông, bến đậu du thuyền… gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…
Đền Rừng quanh năm mát mẻ

Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, nhiều năm nay, quận Long Biên rất mong muốn và trăn trở làm thế nào để phát huy được những giá trị văn hóa-lịch sử gắn với phát triển đô thị dọc bờ sông Hồng, nhất là khu vực bãi giữa sông Hồng gắn với cây cầu Long Biên.

“Không chỉ có Long Biên mà chắc chắn thành phố và các quận, huyện khác dọc hai bên sông Hồng cũng trăn trở trách nhiệm làm thế nào có các hoạt động góp phần kết nối và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, kiến trúc trên địa bàn gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy” – Chủ tịch UBND quận Long Biên nói.

Theo đánh giá của chị Thạch Thị Hạnh, Công ty Du lịch HT, với vị trí đắc địa như đền Rừng và một số di tích khác dọc sông Hồng như đền Ghềnh, đình Chèm, làng gốm Bát Tràng…, nếu biết khai thác theo hướng những không gian sáng tạo, các điểm đến kết nối với nhau thì di tích ven sông Hồng sẽ phát huy hiệu quả giá trị.

Cần sự vào cuộc của các đơn vị lữ hành

Theo TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học (Đại học Thủ đô), tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. Nếu biết cách khai thác, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài đến từ châu Âu. Không phải tự nhiên mà đền Rừng thu hút rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan trong những năm gần đây. Bởi nơi đây có địa thế đẹp, cửa đền nhìn ra sông Hồng, bến bãi rộng rãi, lại sở hữu sản phẩm văn hóa đặc sắc, đó là nơi thực hành thường xuyên nghi lễ hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…
Địa thế đắc địa của đền Rừng có tiềm năng trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn

Theo chia sẻ của thủ nhang Hoàng Xuân Mai, sắp tới, theo lộ trình khai thác và quản lý đền Rừng, bến thuyền trước cửa đền sẽ được bố trí làm điểm check –in bằng việc trồng các loại hoa, thiết kế cảnh quan phù hợp với di tích tâm linh. Với không gian thoáng đãng, rộng rãi, về lâu dài, đây cũng có thể là nơi trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và Hà Nội.

Được biết, hiện nay, Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng sau gần 30 năm khai thác, từ chỗ ban đầu chỉ có một tuyến mang tên “Ấn tượng sông Hồng”, nay đã có thêm 5 chương trình đi từ Hà Nội tới các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam với nhiều điểm tham quan nổi tiếng. Tín hiệu này cho thấy tiềm năng của tuyến du lịch sông Hồng.

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…
Thủ nhang Hoàng Xuân Mai trình diễn nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, thủ nhang Hoàng Xuân Mai hy vọng, thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp lữ hành tham gia vào khai thác, đầu tư, khơi dòng cho tuyến du lịch sông Hồng.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc đầu tư, kết nối các di tích, điểm đến dọc sông Hồng một cách bài bản, có chiến lược là vô cùng cần thiết, để đền Rừng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, điểm đến hấp dẫn, từ đó lan tỏa rộng rãi, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đồng thời đóng góp vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết 09 mà Thành ủy đề ra.

Thái Sơn
Phiên bản di động