Bài 2: Tháo nghẽn thể chế, “căn bệnh” kìm hãm kinh tế tư nhân
Bài 1: Tương lai tươi sáng đang mở ra cho kinh tế tư nhân |
TRỊ “CĂN BỆNH” THỂ CHẾ, HÓA GIẢI ĐIỂM NGHẼN THÀNH ĐỘT PHÁ
Còn nhớ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cốt tử trong hệ thống pháp luật đang kìm hãm sự phát triển của đất nước và đặt yêu cầu rất chính xác, khúc chiết, mạch lạc và không rào đón về áp lực cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ở cương vị Tổng Bí thư, bài phát biểu của ông là hồi chuông thúc giục, là mệnh lệnh không thể chần chừ, là ngọn cờ để chúng ta bắt tay thực thi, hành động. Người đứng đầu Đảng khẳng định, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “thẳng thắn nhìn nhận” là rất thực tiễn vì chỉ có đánh giá đúng sự thật mới có thể tháo gỡ đúng điểm nghẽn, mới đưa ra được giải pháp chính xác. Từ những đánh giá chính xác về tình hình xây dựng thể chế hiện nay, Tổng Bí thư đưa ra những yêu cầu, chỉ đạo, giải pháp hoàn toàn hợp lý và đúng đắn về hoàn thiện pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội giúp đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh và thịnh vượng.
Mới đây, trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục gây ấn tượng rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi đã đánh giá rất cao vai trò của khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân trong phát triển đất nước.
Mặc dù vậy, Tổng Bí thư cũng thừa nhận dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn".
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. |
Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực tư nhân. Doanh nghiệp Nhà nước thường thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, vốn, tín dụng; trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường được hỗ trợ tốt hơn về thuế, thủ tục hải quan, và cả tiếp cận đất đai.
Ngoài ra, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư.
![]() |
Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. |
Tổng Bí thư nhận định, những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.
Hướng đến tầm nhìn chung của đất nước, kinh tế tư nhân cũng cần xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình. Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để khu vực kinh tế tư nhân có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa được tầm nhìn đầy khát vọng đó, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế.
"Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực Nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động", người đứng đầu Đảng nhận định.
![]() |
Trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự phát triển của đất nước có sự đóng góp quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp tư nhân. |
Trước yêu cầu đó, Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.
Đồng thời, nhất quán quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm", xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Tổng Bí thư yêu cầu Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân cần khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân, phải tạo ra một động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường.
Trong đó tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được điều này, Nhà nước cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường, giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế xin – cho, thực sự quản lý kinh tế theo nguyên tắc thị trường và sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế.
Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng doanh nghiệp độc quyền và thao túng chính sách, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo doanh nghiệp tư nhân có cơ hội bình đẳng để phát triển. Điểm cốt lõi của hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường là phân định mạch lạc vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, theo đó Nhà nước tập trung vào điều tiết vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội. Phải coi nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta hiện nay.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh việc cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính "phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước". Theo đó, cần quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quyết đoán trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; thiết lập cơ chế đối thoại, phản biện chính sách hiệu quả, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi cao; phấn đấu trong vòng 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm trong Top 3 ASEAN.
Hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã bắt tay ngay vào hành động. Thực tế, trước đó, ngày 6/3, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân mà chính Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự phát triển của đất nước có sự đóng góp quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp tư nhân.
Người đứng đầu Chính bày tỏ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" nhưng cũng sẽ là "đột phá" của "đột phá".
KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ HƠN, PHẢI XÓA BỎ CÁC RÀO CẢN
Gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển quan trọng, đóng góp trên 50% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, song vẫn đang gặp phải nhiều rào cản, trở ngại lớn, gây bức bối và ảnh hưởng sâu sắc tới việc phát huy vai trò, vị trí và khả năng đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta.
![]() |
Khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược. |
Đây có thể coi là thời điểm không thể chậm trễ hơn phải xóa bỏ các rào cản, khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế quan trọng này, góp phần quyết định vào thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đề ra và quyết tâm thực hiện.
Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, kinh tế tư nhân của nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là hộ kinh doanh với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.
Thực tế cho thấy khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu đối chiếu với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và thực tiễn thì vẫn còn một số hạn chế lớn, khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể kinh tế tư nhân cũng chưa thật sự đạt được như yêu cầu đặt ra.
![]() |
GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore). |
Thậm chí tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây, không đạt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp, chiếm 50% GDP theo Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017. Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế của khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp; chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu.
Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu trong kinh tế tư nhân cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Mặt khác, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản như: Chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, về môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực FDI,...
Theo GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), so với doanh nghiệp Nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân tuy chưa trở thành trụ cột chi phối toàn diện nền kinh tế nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian.
GS. Vũ Minh Khương cho biết, 10 hay 20 năm trước, khu vực này vẫn còn manh nha, nhưng ngày nay đã có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
GS. Vũ Minh Khương cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là làm sao để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển đúng hướng, vững vàng và bứt phá. Điều đó đòi hỏi không chỉ tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà mà còn phải có chính sách yểm trợ mạnh mẽ, đặc biệt là loại bỏ những "chốt hãm" đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
![]() |
Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ, chiếm 96% tổng số doanh nghiệp , trong khi số doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu như Vietjet, Vingroup, Masan, FPT hay VinFast… vẫn còn ít. |
"Khi được tạo điều kiện thuận lợi, tôi tin rằng khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn, trở thành động lực quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong tương lai", GS. Vũ Minh Khương nói.
Cũng theo GS. Vũ Minh Khương, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn phải đối mặt với một số rào cản mang tính căn bản. Ông cho rằng có 3 vấn đề cốt lõi cần được tháo gỡ, đó là thể chế, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Thứ nhất, về thể chế, điểm quan trọng không phải là nhìn vào những rào cản chung chung mà phải xác định những "chốt hãm" cụ thể trong từng ngành nghề. Chúng ta có khoảng 35 ngành mà khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động và trong mỗi ngành đều tồn tại những vướng mắc cần được giải quyết triệt để.
Trước đây, "Khoán 10" đã tạo ra bước ngoặt trong nông nghiệp, thì nay cũng cần một cuộc cải cách tương tự cho từng ngành kinh tế quan trọng. Các doanh nghiệp tư nhân đang chờ đợi một sự thay đổi đột phá về pháp lý, thủ tục hành chính cũng như sự kết nối chặt chẽ giữa các cụm ngành. Muốn vậy, Chính phủ cần lắng nghe trực tiếp từ các hiệp hội ngành nghề – từ bất động sản, cơ khí đến công nghệ phần mềm – để có những quyết sách chính xác và kịp thời.
Thứ hai, về đổi mới sáng tạo, đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Ở nhiều nước, khi doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, họ được hỗ trợ tài chính, thậm chí được khấu trừ thuế. Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ chế này chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp e ngại vì có thể bị thanh tra, kiểm tra.
GS. Vũ Minh Khương cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới, chẳng hạn như hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số. Một số quốc gia như Thái Lan hay Singapore đã làm rất tốt điều này và chúng ta có thể học hỏi để tạo đà cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, về nguồn nhân lực, đây là nền tảng quan trọng để kinh tế tư nhân vươn xa. Hiện nay, chúng ta vẫn thiếu một cơ chế đào tạo linh hoạt, gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Ở Singapore, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo gấp đôi số nhân lực cần thiết, vừa giúp họ có ngay nguồn nhân lực chất lượng, vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư mới. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc khảo sát nhu cầu doanh nghiệp chưa đủ sâu sát, nhiều khi vẫn mang tính hình thức. Một chiến lược đào tạo bài bản, thực tiễn sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân có được lực lượng lao động phù hợp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
"Tôi đánh giá rất cao tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, chúng ta cần một hệ thống thể chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực bài bản. Nếu làm được những điều này, kinh tế tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, tạo ra những bước tiến vang dội trong thời gian tới", GS. Vũ Minh Khương nhận định.
KINH TẾ TƯ NHÂN CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM, ĐẦU TƯ XỨNG ĐÁNG
Mới đây, tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Theo đánh giá của chuyên gia, đây là một con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn, tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao. Do đó, nếu không được quan tâm, đầu tư xứng đáng và có những giải pháp táo bạo để tháo gỡ khó khăn thì kinh tế tư nhân rất khó để trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
![]() |
Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. |
Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần chú trọng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hằng năm. Nhiều doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu kém. Do đó, việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp nhưng không mang lại giá trị thực chất và sự bền vững trong hoạt động là điều không cần thiết.
Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn muốn hướng tới mục tiêu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 và xa hơn là hàng triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần có các cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp, các luật về quản lý thuế và một số luật có liên quan nhằm hình thành một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể.
Đây là biện pháp căn cơ để khuyến khích hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Từ đó, tạo tác động cộng hưởng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở năng lực cạnh tranh ngày một cao hơn.
Đồng thời, Chính phủ cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với kinh tế tư nhân bởi Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách, cũng như hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đó, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, cần nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
![]() |
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Cùng đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực để thúc đẩy kinh tế tư nhân ngày càng phát triển.
Chia sẻ nhận định của mình về phát triển kinh tế tư nhân, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước thể hiện sự chuyển biến quan trọng trong tư duy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bất kỳ thành phần kinh tế nào đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất, đều cần được hưởng sự hỗ trợ xứng đáng từ chính sách, xã hội, đất nước và cộng đồng quốc tế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, cần tiếp tục tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở bảo đảm sự bình đẳng thực sự. Thậm chí, cần trao quyền cho kinh tế tư nhân thực hiện các dự án lớn, các dự án có tầm quốc gia, để có thể tích lũy nguồn lực, phát huy năng lực và khả năng đổi mới sáng tạo cao nhất.
"Chỉ khi nào mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển tối đa, khu vực này mới có thể tạo ra sức bật mạnh mẽ, đột phá, đưa tăng trưởng kinh tế lên hai con số và chuyển đổi đất nước từ thu nhập thấp, thu nhập trung bình thành một quốc gia công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045", PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhận định và nói thêm, việc trao quyền bình đẳng trong các dự án phát triển kinh tế quốc gia, cho phép kinh tế tư nhân tham gia vào những dự án trọng điểm của đất nước sẽ giúp họ có cơ hội bộc lộ tài năng, huy động nguồn lực và thu được những lợi ích chính đáng.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cũng nhấn mạnh đến quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, việc tạo ra một lực lượng kinh tế hùng mạnh là điều mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công. Như Nhật Bản, trong sự phát triển mạnh mẽ của nước này có 6 tập đoàn kinh tế tư nhân cực kỳ lớn, là xương sống của nền kinh tế; Hàn Quốc cũng có 4-5 tập đoàn lớn tương tự.
Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã bộc lộ hết khả năng của mình, vì vậy, quan điểm xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, phát triển nhanh chóng và tích hợp nguồn lực hiệu quả là rất phù hợp. Những tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ là tinh hoa thật sự, cạnh tranh một cách công bằng, không có sự ưu ái như các thành phần kinh tế khác.
"Chúng ta cần xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân để làm chỗ dựa vững chắc, là xương sống cho nền kinh tế, giúp phát triển bền vững, có đủ tiềm lực và tạo ra sự ổn định về kinh tế và chính trị. Các tập đoàn kinh tế tư nhân cần kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, lấy Việt Nam làm trung tâm. Điều này là hết sức cần thiết, vì nếu không có kinh tế tư nhân vững mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó phát triển, và nếu dựa vào vốn đầu tư nước ngoài, sẽ không còn là nền kinh tế thuộc về Việt Nam", PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nói.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho biết, hiện nay, chúng ta đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như FPT, Vingroup, Vinamilk… Việc tiếp theo là xây dựng một hệ sinh thái để phát triển các tập đoàn này với quy mô rộng lớn hơn, hiệu quả cao hơn.
Do đó, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân này thực hiện các chiến lược đột phá, tham gia vào danh sách các tập đoàn lớn trên thế giới, cùng với cơ chế hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực tinh hoa, giúp phát huy tối đa tài năng và phục vụ cho sự phát triển của quốc gia và có cơ chế đặc thù để các tập đoàn này không bị ràng buộc mà chỉ tập trung vào việc phát huy tài năng.
Mặt khác, các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam cũng nên hướng tới các lĩnh vực mũi nhọn như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành có giá trị gia tăng cao như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học vũ trụ, khoa học hàng hải, và các lĩnh vực liên quan đến số hóa, xanh hóa mà Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã nêu rất rõ; cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cả trực tiếp và gián tiếp, để tạo ra một định hướng phát triển mạch lạc và hiệu quả.
"Chúng ta cần xây dựng các tập đoàn tư nhân hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ và nông nghiệp. Những lĩnh vực thế mạnh này cần có những "con sếu đầu đàn" dẫn dắt nền kinh tế. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn tự tin để đáp ứng yêu cầu mới của thời cuộc, đặc biệt sự phát triển của khoa học, công nghệ, mở rộng quan hệ quốc tế", PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhận định.
(Còn tiếp)