Bài 2: Tạo điều kiện tối đa cho người dân kết hợp với vận động, tuyên truyền
Bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện GPMB Dự án đường Vành đai 4, Ủy ban MTTQ quận Hà Đông luôn quan tâm, chia sẻ, lắng nghe và đáp ứng các yêu cầu của người dân trong khuôn khổ cho phép, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Trung ương, TP.
Chính quyền, MTTQ quận Hà Đông lắng nghe nguyện vọng của người dân trong di dời Nghĩa trang Tổ dân phố 5,6 |
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân
Tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa phận phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông có chiều dài khoảng 2,5km; Tổng diện tích đất phải thu hồi là 329.667,9m2 liên quan đến 1.331 hộ dân. Ngoài ra, có 2.250 ngôi mộ nằm trong Nghĩa trang Nhân dân Tổ dân phố 5, 6 và ngoài nghĩa trang nhưng trong chỉ giới phải di chuyển.
Ông Lê Đức Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Nghĩa chia sẻ, xác định GPMB là một lĩnh vực phức tạp, Đảng ủy phường đã quyết định thành lập 2 tổ công tác tuyên truyền do Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và Chủ tịch MTTQ phường làm tổ trưởng để thực hiện vận động đối với các hộ gia đình có đất ở, đất nông nghiệp bị thu hồi, có mộ nằm trong dự án phải di chuyển.
“Thực tế cho thấy hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở địa phương khi thực hiện GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Nhưng nếu người dân nắm rõ, hiểu rõ lợi ích từ dự án thì họ sẽ tự giác thực hiện. Đây là điểm mấu chốt để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao và đồng thời cũng là nỗi trăn trở lớn nhất đối với anh em cán bộ phường”- ông Trung cho biết.
Biến lo lắng thành hành động, các thành viên trong tổ công tác đã linh hoạt nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, tích cực tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi. Bước đầu, thông qua việc tiếp xúc với Nhân dân, tổ công tác nắm bắt được rằng, đa số đều nhất trí với chủ trương xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Tuy nhiên, đối với việc di chuyển mộ trong Nghĩa trang Nhân dân Tổ 5-6 vẫn có một vài trường hợp dòng họ có mộ chi, mộ tổ muốn được bố trí diện tích đất lớn hơn diện tích phường dự kiến.
“Với phương châm vận động Nhân dân là đối tượng nào, hình thức đó. Chúng tôi đã cùng các đoàn, thể tổ chức các buổi đối thoại với người dân, qua đó lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề mà Nhân dân tâm tư nhất để tháo gỡ kịp thời” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Nghĩa chia sẻ.
Công tác kiểm đếm mồ mả được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng |
Ông Đặng Quang Ngân, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 1, phường Yên Nghĩa cho biết:" Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể phường trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền vận động; Trong quá trình vận động dự liệu trước mọi phương án, chia nhỏ công việc, thực hiện từng bước từ dễ đến khó… để có cách tiếp cận, giải quyết hiệu quả. Đặc biệt, tranh thủ những người có uy tín, có tiếng nói trong dòng họ, trong khu dân cư để vận động Nhân dân".
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, trong năm 2022 đã có 207 ngôi mộ nằm ngoài nghĩa trang Nhân dân tổ 5-6 được di chuyển. Đối với đất nông nghiệp thu hồi để xây dựng nghĩa trang tại tổ 9: Trước Tết nguyên đán Quý Mão đã có 74 hộ nhận tiền bồi thường hỗ trợ về đất để giao mặt bằng xây dựng nghĩa trang tổ 9 với số tiền là 15 tỷ 800 triệu đồng.
Là một trong nhiều hộ dân có mộ phải di chuyển phục vụ triển khai dự án Vành đai 4 thuộc phường Yên Nghĩa, ông Nguyễn Ngôn, Tổ dân phố 8 chia sẻ, dòng họ của gia đình ông có 5 ngôi mộ nằm trên phạm vi giải phóng mặt bằng cần di chuyển, trong đó có cả mộ tổ. Sau khi nhận chủ trương xây dựng dự án và thông báo của phường về việc di chuyển mộ, dòng họ của gia đình đã họp và thống nhất di chuyển mộ về nghĩa trang mới đã được phường quy hoạch.
“Xác định đây là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển giao thông đô thị của Hà Nội, gia đình tôi đã triệu tập nhiều cuộc họp để bàn bạc, lấy ý kiến vì di dời mộ tổ là việc tâm linh. Từ trước đến nay, con cháu đều khỏe mạnh, học tập làm ăn tốt, nên việc di dời mộ tổ gặp nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi được chính quyền phường Yên Nghĩa tuyên truyền, các thành viên trong dòng họ tự đả thông tư tưởng cho nhau thì gia đình chúng tôi đã yên tâm di dời mộ tổ ”- ông Ngôn cho biết.
Chính quyền phối hợp với người dân thực hiện di dời mộ về nghĩa trang mới |
Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong GPMB
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hà Đông Trần Sơn Hải: Dự án Vành đai 4 đi qua 4 phường của quận Hà Đông là: Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lương, Phú Lãm với 2 nghĩa trang cần di dời, trong đó phường Yên Nghĩa di dời trọn vẹn 1 nghĩa trang.
Với đặc thù của quận nội thành, không có quỹ đất dành cho việc mở rộng nghĩa trang, không được tái định cư bằng đất, vì thế, công tác GPMB của quận Hà Đông cũng gặp những khó khăn riêng.
“Đầu năm 2023, khi một số huyện đã GPMB được 70-80%, thì quận Hà Đông vẫn chưa thể triển khai do một số vướng mắc đòi hỏi phải xin cơ chế. Áp lực về tiến độ GPMB là rất lớn, nhưng quận Hà Đông không vì tiến độ mà làm nhanh, làm ẩu. Chúng tôi làm đến đâu chắc tới đó và chặt chẽ về các văn bản” – ông Hải cho biết.
Đáng lưu ý, trong công tác di dời mồ mả, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác GPMB, quận Hà Đông đã họp bàn nhiều cuộc với 12 dòng họ có mộ tổ, mộ chi nhằm giải quyết một cách thấu đáo các nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
“Ban đầu chúng tôi đã có thiết kế nghĩa trang chung, sau mỗi cuộc họp lắng nghe nguyện vọng của người dân, thì đều có sự điều chỉnh phù hợp. Cho tới nay, vấn đề này cơ bản đã được tháo gỡ trên cơ sở những kiến nghị của người dân đều được ghi nhận, xem xét; Những ý kiến nào chính đáng, trong khuôn khổ cho phép thì quận tiếp thu, điều chỉnh ”- ông Hải cho biết, đồng thời chia sẻ thêm: Vận động GPMB phải linh hoạt, kỹ năng tuyên truyền, vận động phải nhuần nhuyễn, không chỉ thực hiện “mưa dầm thấm lâu” mà phải biết “mềm nắn, rắn buông”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hà Đông Trần Sơn Hải chia sẻ với phóng viên về công tác vận động, tuyên truyền, GPMB Dự án Vành đai 4 trên địa bàn |
Không chỉ di dời mồ mả, Dự án Vành đai 4 thu hồi khoảng 4.300 m2 đất ở của nhiều hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn phường Yên Nghĩa. Chủ tịch MTTQ quận Hà Đông Trần Sơn Hải cho biết: Đây là phường ngoại thị, quá trình chuyển đổi từ xã lên phường. Nhân dân chủ yếu là nông dân, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, nay thực hiện việc tái định cư phải chuyển về nơi ở mới nghề nghiệp không có, con cháu trong độ tuổi học sinh phải chuyển trường chuyển lớp, vì vậy, nguyện vọng của Nhân dân là mong muốn được tái định cư tại chỗ khi nhà nước thu hồi đất, như vậy sẽ không làm ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống.
Hiểu rõ tâm tư của người dân, quận Hà Đông đã đi trước 1 bước, có ý kiến để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho 56 hộ dân đủ điều kiện tái định cư. "Hiện TP đã bố trí đất đấu giá đẹp với hạn mức tối thiểu 80m2- tối đa 180 m2 tại huyện Thanh Oai cho người dân. Với hơn 100 hộ không đủ điều kiện tái định cư, quận tiếp tục xin cơ chế tái định cư bằng nhà chung cư (được mua 1 suất nhà chung cư) cho người dân…"- ông Trần Sơn Hải cho biết.
Cũng theo ông Trần Sơn Hải, hiện tại công tác GPMB quận Hà Đông đã đạt gần 75%, đã giải ngân khoảng 470 tỉ đồng, đảm bảo cuối tháng 6/2023 sẽ bàn giao khoảng 80% mặt bằng để triển khai Dự án đường Vành đai 4.
(Còn nữa)