Bài 2: Một mùa lễ hội đang dần được "gạn đục, khơi trong”
Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch Công tác quản lý lễ hội đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tốt đẹp |
Ứng xử văn minh hơn trong không gian di sản
Trảy hội mùa Xuân với việc đi lễ chùa hoặc tham gia vào hoạt động tại các lễ hội không chỉ là một nhu cầu giải trí mà còn là một nhu cầu tâm linh có thực của người dân bao đời nay.
Sau 3 năm dừng tổ chức vì ảnh hưởng của dịch COVID -19, năm 2023, đa số các lễ hội của các địa phương trên cả nước được tổ chức trở lại với quy mô hoành tráng hơn.
Theo các chuyên gia văn hóa, nhu cầu trảy hội và tổ chức lễ hội như một chiếc lò xo lâu ngày bị nén, và nay đến lúc “bật tung trở lại”.
Tuy vậy, dù nơi nơi đều đồng loạt diễn ra lễ hội dịp đầu năm, nhưng khác với 3 năm trước đây, năm nay, người dân đi trảy hội đa phần đều không phải chứng kiến những hình ảnh bày bán hàng hóa nhếch nhác, hay đội quân ăn xin hành nghề và “hành khách”…
Tại hội Lim, ngay từ đầu mùa hội, Ban Tổ chức đã quán triệt, nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ ngửa nón xin tiền; không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng và các loại nhạc không phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Gia Lâm – Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều năm nay, gia đình tôi đều rủ nhau đi hội Lim vì địa điểm tổ chức chỉ cách nhà khoảng 10 cây số. Nhưng có lẽ, đây là năm đầu tiên, tôi cảm nhận được lễ hội đang dần được trở về tính nguyên bản, đó là giữ gìn làn điệu quan họ. Nếu vài năm trước đây, bên này, khách nghe quan họ thì bên kia nhạc xập xình, loa đài công suất lớn ở các điểm trò chơi điện tử gây ức chế cho người tham gia hội. Năm nay, an ninh, trật tự ở hội Lim đã nâng lên nhiều”.
Các liền anh, liền chị tại Hội Lim 2023 |
Với bà Nguyễn Thị Đắc (65 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội), lễ hội chùa Hương năm nay rất ấn tượng vì sự quy củ, văn minh.
Nhớ lại vài năm trước, bà Đắc kể: “Tôi nhớ mãi năm 2018, trong ngày khai hội, cảnh tắc đò khiến tôi ám ảnh. Đoàn chúng tôi còn phải xắn quần, lội xuống Suối Yến vì sợ hãi cảnh các chủ đò tranh giành khách, cãi nhau om sòm. Đến khi lên được Động Hương Tích, tôi tưởng mình bị “bẹp ruột” vì cảnh chen lấn, xô đẩy”.
Đa số du khách trảy hội chùa Hương năm nay đều có cảm giác như bà Đắc về một lễ hội an toàn, văn minh, thân thiện như mục tiêu Ban tổ chức đề ra.
Bằng việc đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang điện tử; đưa dịch vụ xe điện vào phục vụ du khách, cũng như cải tạo lối vào di tích bằng việc bỏ 2 cổng soát vé cũ, người dân không còn phải chen lấn mua vé.
Bên cạnh đó, việc wifi được phát miễn phí trên diện rộng, hệ thống quét mã QR phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử chùa Hương, hệ thống di tích, điểm tham quan, đặc sản, quà tặng… đã khiến nhiều du khách thích thú.
Ban Tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang điện tử |
Anh Đinh Văn Chất (24 tuổi, Thái Nguyên) cũng thừa nhận, năm nay, lễ hội chùa Hương thực sự có nhiều đổi thay tích cực.
“Giá vé và các loại dịch vụ được niêm yết công khai. Lực lượng an ninh trật tự thường xuyên túc trực, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch COVID-19. Người chèo đò, người đi hội thân thiện hơn, ứng xử với nhau văn minh hơn. Năm nay, tôi đã tìm thấy niềm vui khi đi hội chùa Hương thay vì sự bực mình như nhiều năm trước", anh nói.
Công tác tuyên truyền được Ban Tổ chức chú trọng |
Tại Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2023, với sự tham gia của 2.400 cảnh sát được điều động bảo vệ an ninh trong 5 vòng, 29 chốt bảo vệ trên các tuyến đường vào đền, công tác phát ấn cũng diễn ra trang trọng, an toàn và quy củ thay vì chen lấn, xô đẩy để lấy ấn như nhiều năm trước.
Người dân nghiêm túc xếp hàng ở Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2023 |
Công tác quản lý chuyên nghiệp hơn
Để có một mùa lễ hội đang dần “gạn đục, khơi trong”, cùng với tiếp tục thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư quy định về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ VHTTDL đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai nhiều nội dung, trong đó có công tác quản lý tổ chức lễ hội.
Cơ quan này đã đề nghị các địa phương kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Đông đảo người dân tham dự Lễ hội Cổ Loa |
Tại Hà Nội, trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2023, kéo dài từ ngày 26/1 đến 3/6 tại các lễ hội lớn, lễ hội vùng, lễ hội nổi tiếng, nhằm tăng cường giám sát việc tổ chức và quản lý lễ hội, bảo đảm nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân.
Tất cả những nỗ lực đó cho thấy, các cấp quản lý Trung ương và địa phương cũng đang nâng cao hơn vai trò kiểm tra, giám sát các lễ hội. Nhờ đó, các lễ hội đang dần trở nên quy củ, an toàn, văn minh và giữ được nét đẹp vốn có của phong tục truyền thống.
Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội năm nay, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, khâu quảng bá, tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách bài bản với những khuyến nghị, cảnh báo về việc tuân thủ nội quy, quy chế đã tạo ra hiệu ứng tốt trong cộng đồng.
“Công tác tổ chức lễ hội chu đáo, bài bản, thể hiện sự công phu với trách nhiệm cao từ trước Tết Âm lịch. Sự phối hợp giữa ban quản lý di tích và chính quyền địa phương, với các tổ chức phi quan phương trong cộng đồng cho thấy lễ hội thực sự là sự kiện của địa phương. Các lễ hội diễn ra trong thời gian 2 tuần của tháng Giêng đã đảm bảo tuân thủ quy định, an toàn và ý nghĩa", bà Lan Oanh chia sẻ.