Bài 11: Chủ tịch quận Long Biên phải chịu trách nhiệm về vi phạm đất đai
Liên quan đến tình trạng vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội), phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi trao đổi, làm việc với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.
Theo Luật sư Nhâm Mạnh Hà, việc trên địa bàn quận xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công kéo dài nhưng không được xử lý, khắc phục có thể nói nguyên nhân một phần là do người đứng đầu UBND quận thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, không ngăn chặn kịp thời, kiểm tra và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật.
Căn cứ mục d điểm 5 Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/01/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP Hà Nội thì Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm người đứng đầu UBND quận có thể bị xử lý kỷ luật theo luật cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội đó.
Cụ thể, về xử lý kỷ luật theo luật cán bộ, công chức: Căn cứ khoản 1 Điều 96 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì người đứng đầu UBND quận thuộc đối tượng bị xử lý khi có có hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.
Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại quận Long Biên. |
Hành vi để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công và không được xử lý, khắc phục kịp thời của người đứng đầu UBND quận thuộc trường hợp vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý được quy định tại khoản 6 Điều 97 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ Điều 98, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người đứng đầu UBND quận sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức
Căn cứ quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
"Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì người đứng đầu UBND quận có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật vi phạm hành chính trên", Luật sư Nhâm Mạnh Hà chia sẻ.
Ngoài ra, trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật, trường hợp người đứng đầu UBND quận tiếp tục điều hành các công việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý thì UBND Thành phố có thể ra ra quyết định tạm đình chỉ công tác theo khoản 1 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
Nhà xưởng, sân bóng xuất hiện trên khu đất được người dân phản ánh là đất nông nghiệp tại phường Bồ Đề. |
"Ở đây, thời gian vi phạm kéo dài nhưng không được xử lý thì cũng phải truy trách nhiệm Chủ tịch quận, lãnh đạo quận từ thời điểm để xảy ra vi phạm đến nay vì đã buông lỏng quản lý, không ngăn chặn kịp thời, kiểm tra và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật", Luật sư Hà nhấn mạnh.
Về xử lý hình sự, theo Luật sư Nhâm Mạnh Hà, những vi phạm trong công tác quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tại quận Long Biên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể tiếp tục kiểm tra, rà soát, nếu vi phạm nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản và lãng phí tài nguyên thì có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
Theo Luật sư Hà, thời gian qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương đã bị khởi tố hình sự liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng. "Mới đây nhất, ông Trần Hoàng Khôi là Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cùng nhiều cán bộ khác đã bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai'', Luật sư Hà dẫn chứng.
Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội. |
Luật sư Hà cũng phân tích, nếu các hành vi vi phạm thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai thì có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, về khách thể của tội phạm là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai về việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Còn về mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, có thể là giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật.
Hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai chỉ cấu thành tội phạm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn; gây hậu quả nghiêm trọng như làm mất cân đối nghiêm trọng về quỹ đất tại địa phương…
Về chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Còn về mặt chủ quan của tội phạm: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi cố ý.
"Với diện tích vi phạm khá lớn theo tôi cơ quan chức năng Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, nếu vi phạm nghiêm trọng và đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật", Luật sư Hà nhận định.
Chiều 19/9, liên quan đến sai phạm đất đai tại quận Long Biên, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Vinh - Cán bộ Thanh tra Sở TNMT Hà Nội. Theo ông Vinh, những sai phạm về đất nông nghiệp, đất công tại quận Long Biên được nêu ra tại kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr nằm chung trong kế hoạch thanh tra 30 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. "Sau khi có kết luận thanh tra, đến nay chúng tôi đã ít nhất hai lần có văn bản đôn đốc các quận, huyện báo cáo kết quả xử lý", ông Vinh cho biết. Cũng theo ông Vinh, vừa qua, Sở TNMT đã tham mưu với UBND TP Hà Nội phương án xử lý các sai phạm. "Hiện tại, UBND TP Hà Nội đang báo cáo Ban Cán sự Đảng Thành phố để có chỉ đạo chung", ông Vinh nói thêm. Ông Vinh cũng cho biết, hiện tại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì 2 cuộc họp với đại diện các sở ngành và quận huyện liên quan để lên phương án xử lý. "Quan điểm là xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do vi phạm xảy ra từ lâu, kéo dài nên nên việc xử lý phải có quá trình, tùy theo thời gian, tính chất và quy mô vi phạm", vị cán bộ Thanh tra Sở TNMT nói. Nói về trách nhiệm, theo ông Vinh thì ngoài Chủ tịch các phường nơi xảy ra vi phạm, phòng Tài nguyên Môi trường, Trật tự xây dựng, Quản lý đô thị thì lãnh đạo quận Long Biên như Chủ tịch và Phó Chủ tịch quận phụ trách lĩnh vực cũng phải có trách nhiệm. |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.