Phát triển công nghiệp xanh tại Vĩnh Phúc

Bài 1: Phù hợp mô hình tăng trưởng của địa phương

Sau gần 30 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo dựng được thương hiệu lấy môi trường công nghiệp xanh làm nền tảng phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Bắc Giang áp sát kịch bản tăng trưởng kinh tế Tăng trưởng hai con số và quyết tâm của Chính phủ Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ

Công nghiệp là điểm sáng

Ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, từ một tỉnh thuần nông vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển, trong đó, ngành công nghiệp đã có bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước và đặc biệt tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Biên
Ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, sau gần 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo dựng được thương hiệu lấy môi trường công nghiệp xanh làm nền tảng phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2021 - 2024, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh đạt hơn 7%/năm (Vĩnh Phúc là 1 trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước).

Tính đến hết tháng 2/2025, trong các KCN đã thu hút được 507 dự án, gồm: 382 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 6,875 tỷ USD và 125 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 39.590 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư tại các KCN Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), HonHai và Compal (Đài Loan - Trung Quốc), Daewoo (Hàn Quốc)... đã góp phần hình thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc các ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và ngành điện tử, công nghiệp cơ khí, chế tạo.

Với vị trí địa lý, Vĩnh Phúc hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh, vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc rất thuận lợi để triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Cùng với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích 3.142,96ha, trong đó chỉ có 9 KCN đã đi vào hoạt động: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc. 3 KCN đang triển khai xây dựng: Sơn Lôi, Tam Dương I-khu vực 2, Sông Lô II.

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh lắng nghe những đề xuất của doanh nghiệp.
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh lắng nghe những đề xuất của doanh nghiệp (ảnh H.L.B)

Theo phương án phát triển hệ thống KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2045 sẽ có 29 KCN; và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha.

Trong đó, ưu tiên phát triển KCN mới dọc theo những trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Các KCN trên địa bàn tỉnh có 503 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 482 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất, lắp ráp điện, điện tử và các sản phẩm công nghiệp khác.

Khánh thành Nhà máy Tamron Vĩnh Phúc tại Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc
Khánh thành Nhà máy Tamron Vĩnh Phúc tại Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc (ảnh H.L.B)

Năm 2024, tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 13.000 triệu USD, tăng 11%; giá trị xuất khẩu đạt 13.500 triệu USD, tăng 36%; nộp ngân sách Nhà nước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2023. Các dự án DDI đạt doanh thu khoảng 15.940 tỷ đồng, tăng 4%; giá trị xuất khẩu đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 83%; nộp ngân sách Nhà nước 370 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phủ khắp các địa phương trong tỉnh, từ thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên lên đến các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô. Các công ty trong các KCN này hiện đang tạo việc làm với thu nhập khá cho hàng trăm nghìn lao động; trong đó, lao động trong nước là chủ yếu.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Trong những năm qua, các KCN đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bứt phá của Vĩnh Phúc. Bên cạnh những lợi ích đã đạt được, trên thực tế, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ được triển khai bên ngoài các KCN và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng...

Trước những thách thức về môi trường hiện nay đang đặt ra cho chính quyền, ngành Công nghiệp của tỉnh cũng như cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư phải nỗ lực hơn nữa trong chuyển đổi xanh một cách nghiêm túc, bài bản để bảo đảm cho phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Hoàng Long Biên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tọa đàm hợp tác toàn diện với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) (ảnh H.L.B)

Tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực tập trung tạo mọi thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn giữ vững quan điểm, phát triển kinh tế phải bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường và kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần…

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Long Biên nhấn mạnh: Hiện các KCN trên địa bàn đang hoạt động đều bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định gồm: Hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa, khu vực lưu giữ chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng “lá phổi xanh” tại các KCN để bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng cư dân…

“Xây dựng các doanh nghiệp xanh tại Vĩnh Phúc không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để tỉnh phát triển bền vững. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai”, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Long Biên khẳng định.

Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững
Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững (ảnh H.L.B)

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu “Lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”; phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển - một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước gắn với phát triển bền vững; khai thác hiệu quả vị trí, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5 - 14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; công nghệ cao…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển hạ tầng theo hướng xanh, thông minh, tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư.

Còn tiếp...

Lê Sơn

Bình luận

Phiên bản di động