Bắc Giang thu hút được hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi
Một tháng cao điểm, Công an Bắc Giang xử lý 3.185 lái xe vi phạm nồng độ cồn Năm 2023, Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang |
Ngày 6/12, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và định hướng phát triển năm 2024.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, kinh tế của Bắc Giang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,45% và đứng đầu cả nước.
Trong đó, có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch; có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 1 chỉ tiêu không hoàn thành.
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, thu hút mới vốn FDI đứng thứ 2 cả nước với số vốn đạt trên 1,53 tỷ USD |
Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai đồng bộ, tính đến ngày 30/11/2023, đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh với số vốn đạt trên 1,53 tỷ USD. Phát triển doanh nghiệp (DN) có nhiều khởi sắc, có 1.976 doanh nghiệp và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 37,5% so với năm 2022.
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các hoạt động dịch vụ phục hồi và phát triển tích cực, tổng giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 52,4 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2022, riêng xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD tăng 22,3%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 88.650 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, là một trong 18 tỉnh/thành trong cả nước hoàn thành dự toán thu NSNN.
Sản xuất công nghiệp của Bắc Giang phục hồi nhanh, cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo |
Công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; hiệu quả đầu tư được nâng lên. Giá trị giải ngân cả năm ước đạt trên 13.014 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch.
Hiện nay, mạng lưới giao thông tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng kết nối, liên kết phát triển; đã hoàn thành 7 dự án giao thông trọng điểm.
Hạ tầng các KCN, CCN được đặc biệt quan tâm; hoàn thành GPMB được 229,85ha đất công nghiệp, vượt 15% kế hoạch; một số huyện làm tốt công tác BTGPMB là các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Giang cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, đơn hàng sụt giảm, tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất. Số DN thành lập mới tăng cao, song cũng có nhiều DN giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Dịch vụ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế giảm; chưa thu hút được nhà đầu tư dự án thương mại - dịch vụ quy mô cấp vùng.
Bắc Giang xác định gắn kết chặt giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. |
Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai sau thực hiện Chỉ thị số 19 tại một số địa phương còn chậm, lúng túng. Trong khi đó, số lượng vi phạm mới vẫn phát sinh, gây bức xúc trong dư luận. Công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số đơn vị, địa phương còn tồn tại, hạn chế nên còn tình trạng khai thác quá phép.
Năm 2024, Bắc Giang sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tận dụng thời cơ đẩy mạnh phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%, trong đó Công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%; Dịch vụ tăng 7,2%; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,5%; Thuế sản phẩm tăng 8%
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Gắn kết chặt giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.