Một tháng cao điểm, Công an Bắc Giang xử lý 3.185 lái xe vi phạm nồng độ cồn
Cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn là mệnh lệnh, cần phải thực hiện Chuyển biến thói quen văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe" Chính phủ lý giải quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn |
Mỗi ngày có nhiều ca tuần tra, kiểm soát; địa điểm kiểm tra của các tổ công tác sẽ thay đổi tùy theo tình hình thực tế. Thời gian kiểm tra không chỉ buổi tối mà cả ngày và đêm, từ 12 - 5, 19 - 23h hàng ngày; ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết... lực lượng CSGT sẽ tăng cường xử lý.
Không chỉ tập trung vào các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn khu đông dân cư, các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, khu vui chơi, giải trí, quán karaoke... mà cả các tuyến đường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cơ quan chức năng cũng bố trí lực lượng kiểm tra.
Thống kê trong tháng 11/2023, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang và công an 10 huyện, TP trên địa bàn đã huy động gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức 600 ca công tác để kiểm tra nồng độ cồn.
Qua đó, xử lý 3.185 trường hợp lái xe vi phạm, trong đó có 215 ô tô, 2.961 mô tô, 9 phương tiện khác; tạm giữ 3.185 phương tiện; tước 1.925 giấy phép lái xe. So với tháng trước tăng 1.623 trường hợp vi phạm. Dự kiến số tiền xử phạt là 14,5 tỷ đồng; tăng 7,4 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ xử lý vi phạm nồng độ cồn |
Phân tích cho thấy vi phạm mức 1 (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) có 1.856 trường hợp; vi phạm mức 2 (vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) có 554 trường hợp; vi phạm mức 3 (vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) là 724 trường hợp. Đáng chú ý trong số này có 51 trường hợp không chấp hành quy định kiểm tra.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang, căn cứ tình hình thực tiễn, Công an tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, địa bàn có nhiều nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi, giải trí, quán karaoke...
Trên cơ sở đó, xác định quy luật, thời gian, tuyến đường, địa bàn, đối tượng, hành vi vi phạm để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất với tinh thần xử lý kiên quyết không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo hiệu ứng lan tỏa toàn xã hội.
Lực lượng CSGT lập biên bản lái xe vi phạm nồng độ cồn |
Cùng đó huy động tối đa lực lượng cảnh sát khác phối hợp với lực lượng CSGT thành lập các tổ tuần tra đủ mạnh về lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, tổ chức làm thường xuyên, liên tục vào các giờ cao điểm. Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương nếu để tình trạng vi phạm về nồng độ cồn diễn ra mà không quyết liệt xử lý.
Bên cạnh xử lý, lực lượng công an còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rà soát, lập danh sách, tổ chức ký cam kết với từng chủ nhà hàng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ; treo, dán các quy định, chế tài xử phạt các vi phạm về nồng độ cồn tại nơi dễ quan sát để khách hàng biết, thực hiện.
Tổ chức xác minh nhân thân, lý lịch để xác định các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Trên cơ sở đó, có văn bản thông báo tới các cơ quan, đơn vị nơi công tác, làm việc đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, ngành, đơn vị, địa phương.
Nhiều người dân cho rằng đã có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra. Do đó, việc lực lượng CSGT tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn nhằm mục đích giảm vi phạm giao thông là rất cần thiết. Đây là quy định pháp luật phải được thực hiện nghiêm để nâng cao ý thức người dân, giảm tai nạn, thương vong.