Bắc Giang: Chuyển đổi số để tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp
Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm 25% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hằng năm tăng trên 12,5%; phấn đấu có hơn 800 DN số.
Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị đứng đầu về số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Cùng đó triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với 63/115 thủ tục hành chính giải quyết mức độ 3 và 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc nộp hồ sơ qua mạng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị đứng đầu về số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. |
Đặc biệt là nhóm thủ tục thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Điển, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh cho biết, đơn vị đã xây dựng tài liệu, đồ họa thông tin, video, tờ rơi hướng dẫn chi tiết cách thức, quy trình và giới thiệu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.
Các tài liệu này được đăng tải công khai trên trang thông tin và tạo mã QR Code để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập. Ngoài ra, Sở còn phân công cán bộ hỗ trợ trực tuyến qua điện thoại, đường dây nóng 19009026, email, zalo và phần mềm Utraview.
Nhờ vậy lượng hồ sơ nộp qua mạng tăng cao, quý I năm 2022, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước đạt 62%; trong đó tỉnh Bắc Giang có tổng số 2.121 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,02%; đứng thứ 8/63 tỉnh, TP của cả nước.
Xác định công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đã bố trí trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn; duy trì hiệu quả hoạt động của các ứng dụng chuyên ngành như hệ thống: Đăng ký doanh nghiệp quốc gia; mạng đấu thầu quốc gia; thông tin quốc gia về giám sát đánh giá đầu tư và phần mềm quản lý thông tin đấu thầu tỉnh Bắc Giang.
Là cơ quan tham mưu cho tỉnh Bắc Giang các giải pháp phát triển kinh tế số, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới.
Thực hiện tốt việc liên thông các thủ tục về khởi sự doanh nghiệp, đặc biệt là tích hợp 3 quy trình gồm: Đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào một quy trình đăng ký thành lập DN.
Cùng đó, đặt bảng thông báo tài liệu hướng dẫn đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDx) tại bộ phận một cửa, nhóm zalo “Trợ giúp doanh nghiệp - HTX tỉnh Bắc Giang”. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tài chính thuế, kế toán, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Bắc Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng tỷ lệ hồ sơ nộp mức độ 3, mức độ 4; số hóa tài liệu.
Ngoài ra, tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu theo lĩnh vực đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm tính liên thông, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu của tỉnh, các bộ, ngành T.Ư theo yêu cầu.
Về phát triển kinh tế số, sở tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hộ dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử uy tín trong và ngoài nước. Hỗ trợ việc đăng ký và thành lập DN công nghệ số mới. Tuyên truyền, giới thiệu DN tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMESx) và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bắc Giang xác định phát triển toàn diện trên cả 3 trục chính quyền số - kinh tế số - xã hội xã số và đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hằng năm tăng trên 12,5%; phấn đấu có hơn 800 DN số. |