|
Vụ vải thiều Bắc Giang trong "năm Covid-19" thứ nhất đã khép lại với kết quả không thể mỹ mãn hơn: Giá cả ổn định, tiêu thụ tương đối thuận lợi, doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng và chạm ngõ được nhiều thị trường mới. Bước vào "năm Covid-19" thứ hai, những tín hiệu lạc quan từ mùa vải sớm khiến các lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đặt kỳ vọng về một mùa vải ngọt ngào, bội thu khi chính vụ đang tới gần. |
|
Vụ vải sớm giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất ở Bắc Giang như một lần “thử lửa”. Tính đến ngày 8/6/2021, Bắc Giang đã tiêu thụ được 60.816 tấn vải, giá cả ổn định, trung bình đạt 24.000 đồng/kg, cao nhất là 36.000 đồng/kg. |
|
Sáng 8/6, nghệ sĩ Xuân Bắc đã chốt nhanh được 5.000 đơn hàng với 85 tấn vải thiều chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ trên sóng livestream. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ khởi động chương trình "Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. |
"Đây là bước chuyển cần thiết trong kết nối, tiêu thụ nông sản trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ" |
2021 cũng là năm đầu tiên trái vải Bắc Giang được chính thức phân phối trên 7 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Alibaba, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” của Bộ Công thương do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì. Những kênh phân phối mới này hướng việc giúp mọi người dân Việt Nam có thể thưởng thức trái vải thiều Lục Ngạn thơm ngon tại nhà mà không cần phải ra chợ mua về. Tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn - vùng vải nghìn tỷ của Bắc Giang - nông dân trồng vải lần đầu được kết nối, giới thiệu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Anh Mai Anh Tuấn (ở xã Phượng Sơn, Lục Ngạn) cho biết: “Mã vải nhà tôi được đăng ký thông tin lên sàn điện tử. Họ lưu lại thông tin, giới thiệu sản phẩm, số điện thoại. Khi có đơn hàng, sàn sẽ thông tin lại để chúng tôi thu hoạch, sau đó họ đến tận nơi thu mua hoặc mình sẽ gửi đi”. |
"Ngoài việc bán hàng truyền thống, năm nay UBND huyện đẩy mạnh bán hàng online qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso, Sendo, Tiki… Các trang mạng xã hội hiện nay đều đã kết nối với nhân dân để thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng kết nối các đầu mối, các khách du lịch đến tham quan và tiêu thụ vải thiều cho bà con." Ông NGUYỄN THẾ THI |
Theo số liệu thống kê, tính đến hết 8/6, Lục Ngạn đã tiêu thụ được 25.812 tấn vải trong đó vải sớm là 23.140 tấn, vải thiều là 2.672 tấn với giá bán bình quân đạt 24.000 đồng/kg, cao nhất là 36.000 đồng/kg. Các sàn thương mại điện tử đã góp sức tiêu thụ 770 tấn vải sớm Lục Ngạn lũy kế đến hết ngày 8/6. |
Thông tin từ Sở Công thương Bắc Giang, tình hình tiêu thụ vải chín sớm của huyện Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung đang rất khả quan. Giá vải chín sớm luôn được giữ ở mức ổn định. |
Triển khai sớm, đồng bộ và toàn diện |
3h sáng 7/6 tại huyện Lục Ngạn, 350 đoàn viên, thanh niên chia làm 10 tổ tỏa đến giúp các hộ gia đình bị cách ly, neo người kịp thời thu hoạch vải. Đoàn thanh niên tình nguyện cũng sẵn sàng hỗ trợ các gia đình thu hoạch từ 12h đêm khi vải thiều đã vào chính vụ. |
Theo UBND huyện Lục Ngạn, mọi năm, vào mùa vải rộ, hơn 20.000 lao động trong huyện và các vùng lân cận đổ về thu hoạch. Năm nay vướng dịch, huyện mới huy động được khoảng 15.000 người từ nông dân, công nhân đến thanh niên, công an, quân đội trên địa bàn trợ giúp. Để giải quyết bài toán thiếu người, Lục Ngạn tổ chức khoảng 400 tổ đổi công thay nhau giúp các hộ thu hoạch vải. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 điều động bộ đội từ các đơn vị đang đóng quân trên địa bàn Lục Ngạn giúp đỡ nông dân thu hoạch vải thiều. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang cũng báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cho phép lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều. Tại các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn, Sở Công thương Bắc Giang đặt thường trực 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều để quả vải không bị ách tắc nơi biên giới. |
"Chưa năm nào chiến dịch tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang lại được triển khai sớm, đồng bộ và toàn diện như năm nay" Ông DƯƠNG VĂN THÁI |
Trong mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động chuẩn bị các điều kiện sản xuất và tiêu thụ an toàn dịch bệnh, Bắc Giang đã chỉ đạo các Sở ngành, UBND các huyện sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó kịp thời như: Ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vải thiều an toàn dịch bệnh; Xác nhận nông sản an toàn dịch Covid-19 và xác nhận các hồ sơ để lưu thông hàng hóa; Đồng thời làm tốt công tác truyền thông quảng bá thương hiệu sản phẩm. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm để mời gọi, giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý (Chính phủ, các Bộ ngành, các tỉnh bạn) cùng chung sức, đồng lòng giúp tỉnh tiêu thụ nông sản cho Nhân dân, đặc biệt là đặc sản vải thiều do năm nay được mùa, thời gian thu hoạch rất ngắn. |
Kết quả đến thời điểm này các nông sản đến mùa thu hoạch như: Dưa, dứa, vải... cơ bản được tiêu thụ thuận lợi, giá bán tương đương với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt là vải thiều hiện nay tiêu thụ thuận lợi cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Vải thiều Bắc Giang năm thứ 2 liên tiếp được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, trong đó lần đầu tiên vải thiều chín sớm được xuất khẩu thành công vào Nhật Bản với số lượng 45 tấn. Đối với thị trường trong nước, ngoài thị trường truyền thống dịch bệnh phức tạp đã giúp mở cánh cửa vào các thị trường phi truyền thống như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, online, mạng xã hội... Mùa vải sớm ở Bắc Giang kéo dài từ 20/5 - 10/6. Vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu từ 10/6 cho đến cuối tháng 7. Những tín hiệu lạc quan từ mùa vải sớm được ông Dương Văn Thái , Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đặt kỳ vọng về một mùa vải "rất nóng vì dịch bệnh Covid-19 nhưng sẽ ngọt ngào với người nông dân" trong tỉnh. |