giải cứu
TTTĐ - Đã có một mùa vải thiều thành công trong "năm Covid-19 thứ nhất", lại thêm nhiều bài học kinh nghiệm từ Hải Dương, mùa vải năm nay, Bắc Giang đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế bán vải trong mùa dịch, tiếp cận người dùng theo hướng nâng cao giá trị của quả vải, đặc biệt "nói không với giải cứu". |
Những ngày cuối cùng của mùa vải sớm, việc mua bán vải thiều ở huyện Lục Ngạn vô cùng tấp nập. Hàng loạt xe chở vải chen nhau xếp hàng vào điểm bán. Giá bán vẫn ổn định từ 24.000 - 36.000 đồng/kg. Chỉ khác một điều so với năm 2020, người mua, người bán giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và thực hiện sát khuẩn khi vào cân vải. |
Tại quốc lộ 31, đoạn qua phố Kim, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, chủ một điểm thu mua cho biết: “Năm nay chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để thu mua vải trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc thu hoạch và vận chuyển, chúng tôi đã “tăng bo” thêm các loại xe nhỏ vào tận vườn vải để thu mua cho bà con”. Các hợp tác xã (HTX) cũng lên phương án tăng cường thu mua để thuận lợi cho bà con nông dân trong mùa dịch. Chị Tạ Thị Thủy - HTX nông nghiệp Bằng Thủy chia sẻ: “Hiện nay đầu mùa, mỗi ngày chúng tôi thu mua từ 80 - 100 tấn vải. Mọi năm chúng tôi chỉ cần đặt các điểm ở đường 31 là có thể thu mua thoải mái. Năm nay dịch bệnh nên HTX đã có các phương án tăng cường, chia ra các điểm nhỏ lẻ, cho xe đi vào các xóm và vận chuyển ra ngoài để sơ chế, đóng gói, chuyển đi xuất khẩu”. |
Năm nay cao gần bằng mọi năm nhưng về cơ bản là ổn. Dù dịch phức tạp, chính quyền vẫn tạo điều kiện thuận lợi về việc di chuyển nên cũng không quá khó khăn trong lúc tiêu thụ". anh MAI ANH TUẤN xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang |
Để đến được vùng vải an toàn ở huyện Lục Ngạn chở vải thiều đi các tỉnh bạn, những người lái xe cũng phải có đầy đủ các giấy tờ như xét nghiệm âm tính với Covid-19, giấy xác nhận lô hàng an toàn với dịch bệnh Covid-19 do UBND huyện cấp và giấy xác nhận đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh do UBND cấp xã nơi thu mua vải cấp. Theo UBND huyện Lục Ngạn, không chỉ giá vải thiều ổn định mà các mặt hàng phụ trợ khác cũng được chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu mua bán. Hiện giá thùng xốp to ổn định ở mức 30.000 - 34.000 đồng/thùng, thùng xốp nhỏ 22.000 - 26.000 đồng/thùng, thùng nhựa là 38.000 đồng/kg, đá cây 35.000 - 45.000 đồng/cây. Tất cả đều chuẩn bị từ trước, sẵn sàng để cho trái vải Bắc Giang tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng. Theo người dân, khó khăn nhất trong mùa thu hoạch vải năm nay là việc thiếu người thu hoạch và làm công việc phụ trợ. Anh Trương Văn Bảo ở thị trấn Chũ, Lục Ngạn, chuyên sản xuất đá lạnh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều về nhân công. Hàng năm, chúng tôi tuyển người lao động từ Thanh Hóa ra làm việc nhưng năm nay rất khó lấy người vì dịch bệnh”. Để giải quyết bài toán thiếu người, Lục Ngạn thành lập khoảng 400 tổ đổi công. Các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội cũng sẵn sàng chi viện khi vải thiều vào chính vụ. |
Nói không với "giải cứu" |
Một cách tiếp cận rất mới của Bắc Giang ở mùa vải năm nay là việc đề nghị truyền thông nói không với "giải cứu". |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã gửi đi thông điệp rất nhân văn: “Chúng ta không giải cứu! Chúng ta cùng nhau nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt; Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”. Vì vậy, chúng ta không thể tiêu thụ sản lượng vải thiều khổng lồ bằng lòng thương hại, bằng việc treo biển “giải cứu vải thiều” ở các điểm bán lẻ vỉa hè, lề đường… Khi phải “giải cứu” tức là nguy cơ người nông dân “trắng tay”, không được hưởng thành quả lao động một cách xứng đáng. Mặt khác, chúng ta không loại trừ có những tổ chức, cá nhân lợi dụng “giải cứu” để trục lợi, thao túng thị trường và cuối cùng thiệt hại vẫn thuộc về người nông dân”. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng chia sẻ thêm: Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Từ việc quảng bá, xây dựng thương hiệu đến hoạt động kết nối cung cầu, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vải thiều được thực hiện rất bài bản. Vải thiều Lục Ngạn được sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, với kinh nghiệm nhiều năm của người nông dân - ví như “Nghệ nhân” trồng vải thiều, kết hợp với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình chăm sóc hiện đại đã cho những quả vải thiều chất lượng cao. “Quả to, hạt nhỏ, vỏ đỏ, cùi dầy” là đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng trong và ngoài nước. |
Chính vì vậy, vải thiều Lục Ngạn luôn được thị trường trong và ngoài nước đón nhận như một thứ đặc sản nhiệt đới siêu ngon. Mỗi năm, tỉnh Bắc Giang cung cấp ra thị trường từ 150.000 - 200.000 tấn vải thiều. Hiện nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Đặc biệt, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là thị trường có yêu cầu rất khắt khe về quy trình sản xuất, chất lượng. Vải thiều Bắc Giang đã được nhập khẩu chính thức và bầy bán trên kệ hàng của các siêu thị tại Nhật. |
Năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang không tránh khỏi những khó khăn đó. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, tỉnh Bắc Giang đã thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm, cùng với tham vấn cộng đồng và thực tiễn hàng nông sản trong những năm qua. Do đó, Bắc Giang có cách tiếp cận khác để hỗ trợ người nông dân sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Tỉnh mong muốn cộng đồng, người tiêu dùng trong cả nước chung tay phát triển, mở rộng thị trường để mọi người, mọi nhà được thưởng thức trái vải thiều thơm ngon, bổ dưỡng. Thay đổi cách tiếp cận để nông dân khỏi thiệt thòi nên Bắc Giang xử lý rất nghiêm các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội và các hành vi gây ảnh hưởng tới thương hiệu vải thiều. Chẳng hạn như việc xử phạt Facebooker tung tin đồn vải sớm chỉ được thu mua với giá 2.000 đồng/kg, xử phạt người nhận xét vô căn cứ là “vải thiều Bắc Giang tiêm thuốc là chímh”... Đặc biệt, năm nay lực lượng Cảnh sát giao thông đã yêu cầu gỡ băng rôn giải cứu trên các xe chở vải thiều đi các tỉnh bạn. |
Bài viết: M.Đức - D.Trung - V.Hải - Q.Chương - H.My Đồ họa: Phạm Mạnh |