quả vải
Dù đã bay cao 10.000km và đi xa tới 32 nước như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quả vải Bắc Giang vẫn chủ yếu được tiêu thụ tươi. Chỉ có kéo dài mùa vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến mới giải quyết được bài toán sản lượng, không bị áp lực khi thu hoạch rộ và góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải.Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết: Trước kia, mùa thu hoạch vải kéo dài chưa đến một tháng. Thời vụ ngắn, trái chín đồng loạt và chỉ để được ít ngày. Nếu để lâu vải sẽ bị thâm, giảm chất lượng rồi hỏng khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá cả khi rộ mùa cũng không cao. Những năm gần đây, nhờ cơ cấu lại diện tích trồng vải sớm mà mùa vải đã kéo dài được 2 tháng từ khoảng ngày 20/5 tới 20/7. |
Trong tương lai, chúng tôi còn muốn kéo dài mùa vải hơn nữa. Để làm được điều này cần có sự giúp đỡ của các nhà khoa học về phương pháp canh tác, giống vải, công nghệ chế biến...". Ông DƯƠNG VĂN THÁI Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang |
Trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang trình Hội đồng thẩm định), tỉnh xác định phát triển đa dạng các sản phẩm cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng với diện tích khoảng 55.000ha. Trong đó, cây chủ lực và thế mạnh vẫn là vải thiều diện tích 26.000ha, cây có múi trên 10.000ha. Theo quy hoạch, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có 41 vùng sản xuất vải thiều tập trung, với diện tích 21.219ha (trong đó 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh, Bắc Giang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để nâng cao năng suất chất lượng và giá trị sản phẩm. Song song với đó là việc thiết lập các chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản vùng; Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vào khảo sát, đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. |
Theo thống kê, trong năm 2021, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bắc Giang là 15.200ha (chiếm 54% tổng diện tích nông nghiệp toàn tỉnh). Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đạt 100% diện tích tại 5 huyện sản xuất vải trọng điểm để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải). Hiện tại, vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 82ha; Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; Vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; Vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Trung Quốc là 15.800ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải thiều), sản lượng ước đạt 95.000 tấn (chiếm gần 52,8% tổng lượng sản lượng vải thiều). 5 năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học công nghệ nên 100% sản phẩm vải thiều Bắc Giang không có tình trạng sâu cuống. Phải nói đây là một chuyển biến lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ. |
"Chúng tôi xác định khâu bảo quản chế biến có ý nghĩa rất quan trọng để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ; Tránh rủi ro trong sản xuất, khắc phục hiện tượng được mùa rớt giá. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát huy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm." Ông LÊ ÁNH DƯƠNG Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang "Chúng tôi xác định khâu bảo quản chế biến có ý nghĩa rất quan trọng để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ; Tránh rủi ro trong sản xuất, khắc phục hiện tượng được mùa rớt giá. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát huy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm." Ông LÊ ÁNH DƯƠNG Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang |
Chuẩn hóa khâu thu hoạch,
|
Không chỉ chuẩn hóa trong quy hoạch, sản xuất, Bắc Giang cũng chuẩn hóa khâu thu hoạch. Nếu trước đây, quả vải chỉ đóng trong thùng xốp, cuống dài cuống ngắn, tình trạng trừ lùi cân khá nhiều thì giờ đây đã được đóng hộp cắt cuống rất đẹp, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nông dân được hướng dẫn cách thu hoạch, sơ chế, nhặt lá, cắt cuống theo yêu cầu của từng thị trường. |
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại như: Sử dụng công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ Jural của Israen và những công nghệ bảo quản tiên tiến khác nhằm phục vụ xuất khẩu vải thiều tươi. Bên cạnh đó, các cơ sở sơ chế đóng gói, bảo quản và cơ sở xông hơi khử trùng cũng được chính quyền tỉnh hỗ trợ nâng cấp để đảm bảo đủ năng lực cho xuất khẩu. Những năm qua, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hằng năm, có hàng nghìn héc-ta vải đã được ký hợp đồng liên kết giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Riêng mùa vụ năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Công thương ký biên bản ghi nhớ với 47 đơn vị là các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ vải thiều. Sản lượng cam kết tiêu thụ khoảng 50.000 tấn. Sau các mùa vụ vải thiều, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo tổ chức tổng kết trong đó có mời các hộ, nhóm hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ vải thiều, phục vụ hậu cần để rút kinh nghiệm cho mùa vụ sau. |
Mời gọi đầu tư,
|
Đóng góp ý kiến trong hội nghị trực tuyến xúc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng: “Bên cạnh quả vải tươi thì các nhà sản xuất, xuất khẩu vải cũng nên cân nhắc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải (vải khô, nước ép vải, kem vải…) để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải Việt Nam tại Nhật Bản”.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cũng thừa nhận “hiện, vải thiều Bắc Giang cơ bản tiêu thụ tươi”. Bắc Giang đang muốn tìm tìm công nghệ làm sao giữ được màu sắc, hương vị trái vải. “Tôi được biết Nhật Bản có công nghệ này, Bắc Giang cũng đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về phát triển công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản”, ông nói. Hiện Bắc Giang đang có 3 doanh nghiệp chế biến hoa quả tươi như: Dưa bao tử, cà chua bi, ngô ngọt, vải thiều... Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã chủ động mời gọi xúc tiến đầu tư, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản. Hiện đã có một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vạn Gia Lạc, Công ty TMDV&CB nông sản (Hà Nội) đã được Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư và Công ty Cổ phần đồ hộp Hạ Long đến khảo sát đầu tư... Ngoài việc trải thảm đỏ mời doanh nghiệp chế biến, Bắc Giang dự kiến thành lập các hợp tác xã, ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị nông sản, kéo dài vòng đời của sản phẩm. "Chỉ khi có ngành công nghiệp chế biến nông sản thì mới giải quyết được bài toán sản lượng, không bị áp lực khi thu hoạch rộ. Khi được chế biến sâu, giá trị quả vải không còn ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay”, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh. |
Bài viết: M.Đức - D.Trung - V.Hải - Q.Chương - H.My Đồ họa: Phạm Mạnh |