An toàn phòng cháy chữa cháy tại khu tập kết rác thải, phế liệu
Nguy cơ cháy lan tiềm ẩn
Theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội trong nhiều năm qua việc tập kết, đốt rác bừa bãi thường xuyên xảy ra, nhưng không có biện pháp xử lý triệt để.
Hoạt động của những khu tập kết rác thải, phế liệu được diễn ra theo quy trình; sau khi được phân loại, những phế liệu dư thừa, không thể sử dụng được, không thể tái chế được thì các cơ sở này thuê những lao động tự do gần khu vực thu gom và mang đi đốt.
Đáng lo ngại, trong số rác bị đốt đó có cả rác thải y tế và linh kiện điện tử, vỏ bình ác quy, nhựa vụn, dây điện... loại rác này khi đốt sẽ tạo thành dioxin và furan là những chất gây tác hại lớn đến môi trường và con người...
Một số người dân sinh sống gần với khu vực tập kết rác, phế liệu cho hay: “Có hôm từ đầu đường mùi hôi thối, mùi khét bốc lên, ban đầu còn nghĩ nhà mình bị chập, cháy đồ điện nhưng đóng cửa thì thấy bớt mùi, khói đi mới biết có người đang đốt rác phế liệu. Còn có buổi ban ngày từ những xưởng tái chế nhựa trong khu dân cư và từ những bãi rác còn nghi ngút khói khiến bầu không khí xung quanh đều trở lên ngột ngạt, khó thở. Khói nghi ngút, đen xám bốc cao ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng thấy có cấp chính quyền nào giải quyết”.
Cháy bãi phế liệu dưới gầm cầu Thăng Long thuộc địa phận huyện Đông Anh |
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, Công an TP Hà Nội, thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra rất nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng, trong đó cũng có nhiều những vụ cháy xảy ra tại khu tập kết rác thải, phế liệu.
Để hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra, ngoài tăng cường công tác kiểm tra điều kiện an toàn PCCC, công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH; lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn đẩy mạnh việc phối hợp cùng chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy bằng nhiều hình thức, đa dạng nội dung.
Tuy nhiên cũng không tránh được hết những rủi ro, sự cố ngoài mong đợi. Khu tập kết rác, phế liệu được gọi là bãi rác “vô thừa nhận” nên đơn vị thu gom cũng không có trách nhiệm, lúc nào bãi rác đầy quá, ai đó “ném” vào mồi lửa, thế là xong. Do những khu vực này thường được bố trí nằm cách khu dân cư một quãng tương đối xa, nên người dân ít để ý đến đám cháy, cứ thế ngọn lửa bùng phát lúc nào không hay. Có cả trường hợp những khu tập kết rác, phế liệu cháy âm ỉ đến vài ngày, nhưng chẳng ai quan tâm, cứ tự cháy rồi tự tắt…
Mới đây, trên địa bàn TP Hà Nội, khoảng 7h15 ngày 7/2/2023, đã xảy cháy bãi phế liệu dưới gầm cầu Thăng Long thuộc địa phận huyện Đông Anh.
Chỉ trong ít phút, đám cháy bao trùm khu vực tạo cột khói bốc cao bao trùm từ gầm cầu Thăng Long lên mặt đường khiến các phương tiện qua lại gặp khó khăn. Được biết, bãi phế liệu dưới gầm cầu Thăng Long của ông Phạm Xuân T (sinh năm 1990; ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm chủ, có tổng diện tích đất khoảng 100m2, khu vực xảy ra cháy khoảng 50m2. Vụ việc không có thiệt hại về người, tài sản thiệt hại và nguyên nhân cháy đang được Công an huyện Đông Anh điều tra, làm rõ.
Gần đây nhất, khoảng 7h ngày 28/2, Công an quận Tây Hồ nhận tin từ người dân báo sự cố cháy tại bãi rác tự phát ở địa chỉ số 79 đê quai thuộc địa bàn phường Tứ Liên. Đám cháy tạo thành cột khói đen bốc cao, gây hoang mang.
Cảnh sát PCCC xông vào dập đám cháy phế liệu ở Tây Hồ |
Sự cố không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng lại là đám cháy bãi phế liệu thứ hai xảy ra trong tháng hai. Điều này khiến công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu tập kết rác thải, phế liệu có khả năng nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ gây ảnh hưởng tới các khu dân cư lân cận đặt ra cấp thiết.
Phòng ngừa cháy từ ý thức cộng đồng
Để hạn chế nguy cơ cháy, nổ tại các khu tập kết rác thải, phế liệu trên địa bàn, theo khuyến cáo của lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội, không gì khác, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức sinh hoạt tại cộng đồng; chấp hành tốt các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình và tại địa phương, khu dân cư mình đang sinh sống. Chính quyền địa phương và các phòng, ban ngành, đơn vị phụ trách nên có những quy định yêu cầu rõ ràng trong vấn đề vứt (thải) rác và xử lý rác, phế liệu.
Cụ thể như: Các hình thức phạt nguội từ hình ảnh được cung cấp từ người dân kèm những chế tài xử lý cụ thể về hành vi đốt rác tự ý, đốt rác “lén”; có quy định cấm tự ý đốt rác vì đây là một trong những nguyên nhân xảy ra các đám cháy, có nguy cơ lan sang các khu dân cư. Chính quyền địa phương nên cắt cử cụ thể người đảm nhận vị trí vai trò trực - trông, bắt quả tang những hành vi ném rác bừa bãi không đúng nơi quy định, đốt rác tự ý và ném những sản phẩm tàn dư dễ gây cháy, bắt cháy vào khu vực tập kết rác thải, phế liệu.
Máy xúc được huy động để ngăn cháy lan trong sự cố đám cháy khu bãi rác, phế liệu xảy ra ở quận Tây Hồ |
Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo:
* Đối với các khu dân cư tập trung nhiều nhà, hộ gia đình
1) Tổ chức thành lập và vận động quần chúng Nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy;
2) Chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và CNCH;
3) Vận động các hộ gia đình tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn PCCC&CNCH tổ chức tại địa phương, tại nơi sinh sống, làm việc;
4) Xây dựng khuyến cáo, cảnh báo việc thu gom, xử lý rác thải, nhằm tạo thói quen sinh hoạt cộng đồng tại Khu dân cư, cụ thể: không vứt rác bừa bãi vô ý thức; không để rác tập trung tại các điểm có biển cấm đổ rác; không tự ý xử lý, đốt rác không đúng nơi quy định, không có người quan sát và trông coi;
5) Tuyên truyền, khuyến khích đại diện mỗi hộ gia đình chấp hành và ký cam kết về đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, phổ biến cho người dân trong khu dân cư, tổ dân phố cài đặt App “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh.
* Đối với chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình
1) Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera, thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy, nước, xô thùng múc nước, chăn chiên,... để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh;
2) Duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện; thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;
3) Sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong nhà ở;
4) Tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn PCCC&CNCH tổ chức tại địa phương nơi sinh sống;
5) Không vứt rác bừa bãi vô ý thức; không để rác tập trung tại các điểm có biển cấm đổ rác; không tự ý xử lý, đốt rác thải, phế liệu không đúng nơi quy định khi không có người trông coi và xử lý;
6) Chấp hành và ký cam kết về đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, phổ biến cho các thành viên trong gia đình cài đặt App “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh.
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất và thực hiện quy trình các bước xử lý: Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết. Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy. Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn. |