Ai chịu trách nhiệm các sai phạm có dấu hiệu hình sự tại Công ty Đạm Hà Bắc

Những người phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm nghiêm trọng tại Công ty Đạm Hà Bắc đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Hàng loạt sai phạm có dấu hiệu hình sự tại Công ty Đạm Hà Bắc

Như chúng tôi đã thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Công ty Đạm Hà Bắc) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Theo đó, qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Công ty Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...). Nhưng Công ty Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí. Cùng với một số nguyên nhân khác, việc giá than tăng cao, chênh lệch tỷ giá tăng làm cho dự án thua lỗ.

"Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu thầu", kết luận thanh tra nhấn mạnh.

ai chiu trach nhiem cac sai pham co dau hieu hinh su tai cong ty dam ha bac
Hội đồng thành viên, ban lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm liên quan sai phạm tại Công ty Đạm Hà Bắc.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi thẩm định, phê duyệt dự án năm 2008 (lần 1), Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án, không thẩm định các nội dung khác của dự án là vi phạm quy định. Mặc dù tổng mức đầu tư của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam thẩm định phê duyệt tại Quyết định số 212/QĐ-HCVN ngày 19/3/2008 là 392,375 triệu USD là thiếu căn cứ, cơ sở.

Đồng thời, dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá,... quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Trong lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2009 có những vi phạm như: Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quản lý xây dựng.

Mặc dù, dự án không thay đổi về quy mô, công suất, khi thẩm định điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư dự án, trong đó có một số nội dung về chi phí thiết bị chưa được làm rõ, nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 427/QĐ-HCVN ngày 20/10/2009, với tổng mức đầu tư (điều chỉnh) là 568,646 triệu USD, tăng 176,271 triệu USD (tăng 44,9%) là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh là một trong nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ.

''Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'', Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

ai chiu trach nhiem cac sai pham co dau hieu hinh su tai cong ty dam ha bac
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hồi tháng 7/2018. Ảnh: damhabac.com.vn.

Cũng theo kết luận, dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng, trong quá trình thi công, một số tiêu chuẩn thi công; một số hạng mục phụ về môi trường chưa hoàn thành; các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong liên danh nhà thầu. Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, do tổng mức đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, tỷ lệ vốn tự có của công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9% tổng mức đầu tư, còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Về hiệu quả của dự án, theo Thanh tra Chính phủ, do việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án có một số nội dung, nhất là về tổng mức đầu tư của dự án thiếu căn cứ, cơ sở, vi phạm quy định của pháp luật, làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị thua lỗ.

Mặc dù công ty đã phấn đấu tiết kiệm chi phí, số lỗ của năm sau thấp hơn năm trước nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2015 lỗ gần 670 tỷ đồng; năm 2016 lỗ trên 1.051 tỷ đồng. Theo báo cáo năm 2017 lỗ trên 661 tỷ đồng, năm 2018 lỗ trên 332,5 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 lỗ trên 222,3 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính đến tháng 6/2019 là trên 2.887 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã có vi phạm quy định của pháp luật trong tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, trong thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư dự án thiếu căn cứ, cơ sở, là nguyên nhân dẫn đến dự án thu lỗ trên 2.887 tỷ đồng, có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng cần phải được xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở những vi phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có sai phạm.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Những vi phạm bao gồm: Vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Đáng nói, về trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kết luận, chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, ban lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty đạm Hà Bắc.

Đồng thời là trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Ban lãnh đạo Công ty đạm Hà Bắc; các đơn vị, phòng ban, cá nhân có liên quan thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt nam và Công ty đạm Hà Bắc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm cuối năm 2019, Hội đồng quản trị của Công ty Đạm Hà Bắc gồm có 5 người. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Hoàng Mạnh Thắng (ông này được bổ nhiệm ngày 26/4/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũ là ông Bùi Thế Chuyên. Các thành viên Hội đồng quản trị gồm: Ông Nguyễn Đức Ninh, Phạm Văn Trung, Nguyễn Phùng Hưng, Nguyễn Văn Dũng.

Ban Tổng giám đốc của Công ty Đạm Hà Bắc đến cuối năm 2019 có 3 người gồm: Tổng giám đốc Nguyễn Đức Ninh và 2 Phó tổng giám đốc là Phạm Văn Trung và Nguyễn Văn Dũng. Được biết, ông Nguyễn Đức Ninh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ ngày 5/10/2019 thay ông Đỗ Doãn Hùng, người đã bị miễn nhiệm kể từ ngày 1/1/2019 trước thời hạn do những sai phạm trong quá trình triển khai Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc.

Còn tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2019, Hội đồng thành viên gồm 6 thành viên do ông Nguyễn Phú Cường làm Chủ tịch. Ông Cường được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên từ tháng 2/2018, thay thế cho vị trí của ông Nguyễn Anh Dũng bị kỷ luật mất chức do liên quan đến một số dự án yếu kém, thua lỗ của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam.

Ngoài ông Cường, các thành viên Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam gồm: Ông Nguyễn Gia Tường, ông Lưu Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị Thanh Minh, ông Nguyễn Hữu Tú, ông Võ Thanh Hà.

Trong khi đó, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam hiện tại gồm: Tổng giám đốc Phùng Quang Hiệp (thay ông Nguyễn Gia Tường sau khi ông này thôi chức từ tháng 6/2019); các Phó Tổng giám đốc Bùi Thế Chuyên, Lê Ngọc Quang.

Hậu Lộc
Phiên bản di động