99,5% thông tin công dân Thủ đô có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Bộ Công an phấn đấu trả hết cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử trong tháng 9/2021 Đã cấp số định danh cá nhân cho hơn 98,5 triệu công dân |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu thành phố Hà Nội |
Chiều 18/1, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, một trong số các nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy Hà Nội ban hành trong 10 chương trình công tác lớn giai đoạn 2021 - 2025 là “Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Mục tiêu này đã được quán triệt sâu sắc trong nhận thức người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành Thủ đô. Năm 2021, với nguyên tắc “5K+ vắc xin + công nghệ + ý thức người dân”; Thành ủy, UBND TP đã có nhiều cuộc họp với Bộ Công an để bàn và thống nhất triển khai các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân trong quản lý xã hội, phòng chống dịch COVID-19 và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ đối với dự án Quốc gia về dân cư và căn cước công dân; Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt Công an TP phối hợp với các sở ban, ngành hoàn thành 2 dự án đúng tiến độ. Trong đó, đã cập nhật được 99,5% thông tin công dân thường trú trên địa bàn TP vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì thường xuyên đảm bảo dữ liệu “Đúng, đủ, sạch, sống”. Hà Nội thu nhận trên 5,6 triệu dữ liệu cấp thẻ Căn cước công dân (đạt 97,7%) cho công dân trong độ tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP và thông báo số định danh cá nhân có tích hợp mã QR code cho 1,9 triệu (đạt 99,5%) công dân chưa đến độ tuổi hoặc chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp để phục vụ cho công dân sử dụng trong các thủ tục hành chính (kết hôn, thuế, xử phạt vi phạm giao thông, đăng ký khai sinh, khai tử…), tiêm chủng, quét mã QR để khai bảo y tế, khai báo di chuyển…
Bên cạnh đó, TP cũng đã triển khai ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với 7,4 triệu dữ liệu bảo hiểm xã hội; Cập nhật và đồng bộ trên 7,9 triệu (đạt 60%, chủ yếu phụ thuộc vào Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19 của công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, TP đã chỉ đạo đẩy nhanh việc đồng bộ dữ liệu thông tin công dân diện F0, F0 khỏi bệnh từ dữ liệu của cơ quan Y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ...
Đáng chú ý, trong năm 2021, nhiều ứng dụng trên nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được TP triển khai mạnh mẽ như: Đăng ký cư trú trực tuyến, đăng ký phương tiện giao thông, đăng ký và kê khai thuế trực tuyến, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán bảo hiểm, cập nhật dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19, liên thông kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế, trợ cấp cho người dân và chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…. Kết quả đã đem lại sự thuận tiện cho công dân khi thực hiện các giao dịch và hạn chế tối đa việc công dân phải đến trụ sở để giải quyết các thủ tục hành chính đồng thời giảm được chi phí đi lại cho người dân, phòng chống tiêu cực và góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội |
“Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố xác định việc thực hiện Đề án là một nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. UBND TP đã bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để thực hiện hầu các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của Đề án trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Để triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục tham mưu, xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để sửa đổi, bổ sung, thay thế nhất là các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức thực hiện. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đồng bộ dữ liệu tiêm chủng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố quản lý, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có hướng dẫn về quy chuẩn của thiết bị để triển khai ứng dụng quét mã QR code trên thẻ căn cước công dân phục vụ các yêu cầu về phòng dịch, quản lý cán bộ và đảm bảo an ninh, trật tự.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương rà soát, đánh giá toàn bộ dịch vụ công đang thực hiện để có hướng dẫn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Các Bộ, ban, ngành Trung ương cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất các phần mềm ứng dụng, kịp thời thay thế những hệ thống không còn phù hợp, không có khả năng kết nối liên thông.