Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu trong việc triển khai Đề án 06, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.
Bắt 4 nghi can trong đường dây làm giả hồ sơ rút tiền BHXH tại Đồng Nai Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý việc chậm đóng bảo hiểm xã hội Generali Việt Nam triển khai định danh và xác thực khách hàng điện tử bắt buộc

BHXH Việt Nam vừa thông tin về những kết quả đạt được của ngành trong quá trình thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Nổi bật là, hệ thống điện tử đã xác thực hơn 90,1 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là kho dữ liệu quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai các dịch vụ số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT.

Hiện, cả nước có 12.569 cơ sở khám, chữa BHYT áp dụng quy trình đón tiếp, phục vụ bệnh nhân sử dụng thẻ bảo BHYT điện tử bằng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh, trong đó có hơn 37,7 triệu lượt tra cứu thành công.

Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD có gắn chíp thay cho thẻ BHYT

Đáng chú ý, việc cung cấp các dịch vụ công về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số thu hút nhiều người sử dụng. Sau gần 9 tháng triển khai (từ cuối tháng 11/2022 đến nay), ngành đã tiếp nhận và xử lý gia hạn gần 22.000 thẻ BHYT thông qua dịch vụ công “Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”; Xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần hơn 216.000 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Việc triển khai dịch vụ liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” giúp giải quyết hơn 75.000 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hình thức liên thông giữa nhiều ngành trên môi trường điện tử. Còn dịch vụ liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” có 2.179 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.

Dấu ấn đặc biệt trên lộ trình chuyển đổi số của ngành BHXH là ngành phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Hiện, cả nước có 1.115 cơ sở khám, chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 921.378 dữ liệu được gửi; Có 1.272 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 306.923 dữ liệu được gửi; 444 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 3.110 dữ liệu được gửi.

Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu trong việc triển khai Đề án 06, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT

Nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, những tháng cuối năm nay, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng triển khai hiệu quả hơn hai nhóm dịch vụ liên thông: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”; cập nhật, xác thực thông tin của 100% số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho các đối tượng thụ hưởng; Nghiên cứu ứng dụng căn cước công dân gắn chíp trong chi trả các chế độ BHXH.

Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Những lợi ích đó tiếp tục là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu trong việc triển khai Đề án 06, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.

Thanh Tùng
Phiên bản di động