8 mục tiêu trong chiến lược dân số đến năm 2030
Việt Nam đang ở trong thời kì cơ cấu dân số vàng Dân số Việt Nam dự kiến tăng lên 104 triệu năm 2030 Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang tạo việc làm cho khoảng 70% dân số |
Ngày 30/12, tại TP Hội An diễn ra chương trình cung cấp thông tin cho các nhà báo, cán bộ truyền thông cấp tỉnh về dân số và phát triển khu vực miền Trung và phía Nam về Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ TƯ ngày 25/10/2017. Chương trình do Tổng cục Dân số Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Duy trì và giữ vững mức sinh thay thế
Bà Đỗ Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Giáo dục, Tổng cục dân số KHHGĐ – cho biết: “Mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn (TPHCM là 1,39 con, Hà Tĩnh là 2,83 con), tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng (111,5 bé trai/100 bé gái). Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại”.
Theo bà Hồng, chiến lược đặt ra mục tiêu thứ nhất là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), giảm chênh lệch mức sinh, quy mô dân số 104 triệu người.
Mục tiêu 2 là bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi. Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Mục tiêu thứ 3 là đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
Mục tiêu 4 là tập trung nâng cao chất lượng dân số, với tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu 5 là thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản…
Mục tiêu 6 là hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu 7 là phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài….
Mục tiêu 8 là thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe…
Giảm chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, xóa mất cân bằng giới tính khi sinh
Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số…
Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số…
Bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công. Thực hiện phân bổ kinh phí công khai, có định mức rõ ràng, tập trung cho cơ sở, phù hợp với các vùng, miền, địa phương. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác dân số.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác dân số. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.
Phát triển thị trường bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại theo hướng đa dạng hóa các gói bảo hiểm…