6 tháng cuối năm, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá QSĐD
Hà Nội: Kịp thời ứng trực thoát nước trước cơn mưa lớn |
Ngày 5/7, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường đã trình bày báo cáo của UBND Thành phố về kết quả công tác đấu giá QSĐD 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.
Theo Kế hoạch năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 634 dự án đấu giá QSĐD với tổng diện tích khoảng 1.561,42ha. Trong đó có 465 dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô diện tích dưới 2ha, với tổng diện tích khoảng 643,35ha; 169 dự án đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích sử dụng đất trên 2ha với tổng diện tích khoảng 918,08ha.
Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI |
Sau 6 tháng đầu năm 2022, đánh giá chung cho thấy tiến độ thực hiện chậm so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955 tỷ đồng; đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, 3 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định; 1 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định và đang thực hiện và soát căn cứ pháp lý theo chỉ đạo của UBND Thành phố; 2 hồ sơ đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư, Sở đang yêu cầu rà soát nội dung theo quy định và 5 hồ sơ đã ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn xác định giá.
Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 143 dự án khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng), đã được UBND Thành phố quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá đến chuẩn bị các thủ tục thực hiện đấu giá. Công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Công tác xác định giá khởi điểm (phải thuê tư vấn xác định giá) còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Phương pháp xác định giá đất còn gặp nhiều khó khăn. Việc ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố đối với các dự án GPMB tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất còn vướng mắc theo Luật Đầu tư công...
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá QSĐD |
Để tăng cường tiến độ các dự án đấu giá QSDĐ, trong 6 tháng cuối năm, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ tập trung hoàn thiện các thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn, kiểm tra các địa phương chưa chủ động, chậm thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá quyền sử dụng đất, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Tăng cường công khai niêm yết việc đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản; hồ sơ, cách thức đăng ký tham gia đấu giá và khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến.
UBND Thành phố cũng báo cáo xin chủ trương và nghiên cứu, ban hành quy chế tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đầu tư, đấu thầu; báo cáo xin chủ trương và tổ chức thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở (không thuộc đối tượng thu hồi đất), theo đó chủ đầu tư tự thỏa thuận về bồi thường GPMB sau khi trúng đấu thầu.