113 hộ dân gần KCN Tằng Loỏng vẫn đang 'sống mòn' trong ô nhiễm
Một số hộ dân tại thôn Phú Hà và thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Ảnh hưởng của khói, bụi từ khu công nghiệp khiến khu vực xung quanh đây không thể nuôi trồng được bất cứ thứ gì. Cây cối, hoa màu cứ cháy dần, táp hết lá rồi chết. Nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi dưới ao lứa này đến lứa khác cứ chết dần, chết mòn. Trâu bò, gia súc uống nước suối sau đó cũng chết dần.
Cây bị táp lá rồi chết dần ở những khu vực gần KCN Tằng Loỏng |
Cá nuôi cũng chết dần chết mòn |
Đến thời điểm này chưa có một con số thống kê đầy đủ về những người bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp nhưng đã không ít người dân phải nhập viện vì những bệnh lý bất thường.
Nhiều gia đình đã phải bất đắc dĩ bán ruộng đất của cha ông để chuyển đến định cư ở vùng đất mới. Nhiều gia đình khác phải chấp nhận "sống mòn" giữa vùng đất ô nhiễm bởi họ cần tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư.
Hiện nay, tại huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai đang có hàng trăm hộ dân thuộc vùng môi trường của KCN Tằng Loỏng cần phải di chuyển đến nơi ở khác.
Tuy nhiên, do các công ty chưa chuyển kinh phí để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên các hộ dân ở khu vực này vẫn đang phải "sống chung với lũ". Chưa thể di dời đến nơi ở mới, họ ngày đêm hứng chịu ảnh hưởng độc hại do ô nhiễm môi trường ở KCN Tằng Loỏng.
Các nhà máy ở Khu Công nghiệp Tằng Loỏng ngày đêm hoạt động xả khói nghi ngút. |
Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bảo Thắng, năm 2018, đã di chuyển 87 hộ, gồm 36 hộ tại xã Xuân Giao, 28 hộ tại thị trấn Tằng Loỏng, 23 hộ tại xã Phú Nhuận. Một số hộ đã được bố trí tái định cư tại khu vực bờ kè sông Hồng, thị trấn Phố Lu, Bảo Thắng.
Từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tiến hành di chuyển 113 hộ dân thuộc khu vực vị ảnh hưởng môi trường từ Khu công nghiệp Tằng Loỏng đến nơi ở mới, trong đó, 106 hộ tại thị trấn Tằng Loỏng và 7 hộ thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận, là các hộ nằm gần KCN nhất. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ là hơn 113,5 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí tái định cư).
UBND huyện Bảo Thắng cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các công ty sớm chuyển kinh phí để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các hộ còn lại nằm trong bán kính ảnh hưởng môi trường của các nhà máy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh sớm có kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí cho các nhà máy cũng như kế hoạch di chuyển các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi vùng ô nhiễm môi trường.
KCN Tằng Loỏng (thuộc địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), có mặt bằng khoảng 1.100 ha với gần 40 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 22.508 tỷ đồng.
Các dự án tại khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân, đồng thời đóng góp vào ngân sách tỉnh Lào Cai nhiều chục tỷ đồng, đem lại an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên đằng sau đó là những hệ lụy cực lớn về môi trường và luôn là chủ đề “nóng” tại nhiều cuộc họp của HĐND tỉnh, HĐND huyện, thậm chí là trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội những năm qua.
Tại một cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã từng nhấn mạnh: "Ô nhiễm môi trường ở KCN Tằng Loỏng đã thực sự trở thành vấn đề “nhức nhối” của người dân và các cấp chính quyền địa phương".
Hiện tại, thông tin PV có được, dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường tại KCN Tằng Loỏng nhưng vẫn chưa thực sự đem lại nhiều hiệu quả.
Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 12 nhà máy trong KCN Tằng Loỏng thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động đối với khí thải. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, đến hết năm 2018 mới có 3/4 nhà máy trong KCN được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.