110/855 doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2018 có đến 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Nhà đầu tư Nhật Bản muốn tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam Vẫn còn dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về “Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, diễn ra ngày 10/12.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2018, tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là 2.937.871 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Trong đó khối các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.690.431 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.

Vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1.368.867 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, khối các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con là 1.218.898 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2017, chiếm 89% tổng vốn chủ sở hữu (tập đoàn là 937.785 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2017; khối các tổng công ty là 252.807 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2017; khối công ty mẹ - con là 28.305 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017).

110855 doanh nghiep nha nuoc kinh doanh thua lo
Quang cảnh buổi họp báo.

Cũng theo ông Tiến, tổng doanh thu của các DNNN đạt 1.559.097 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2017. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN là 267.983 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 76% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN).

Đối với các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, ông Tiến cho biết, năm 2018, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 777.315 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, khối Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con cổ phần có tổng tài sản là 688.490 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2017 và chiếm 88,6% tổng tài sản của các doanh nghiệp cổ phần. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 28% tổng tài sản.

Trong khi đó, tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần theo báo cáo hợp nhất là 397.154 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 65% tổng số nợ phải trả. Khối Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả theo số liệu báo cáo hợp nhất là 351.733 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần.

Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần năm 2018 là 305.498 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong đó, vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần là 164.133 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017.

Ông Tiến nhận định, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các Tập đoàn, Tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Cũng theo ông Tiến, năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần đạt 643.816 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017; Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 48.822 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm 2017; Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân và tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/tài sản bình quân của các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2018 lần lượt là 16% và 6%. Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 59 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 3.258 tỷ đồng.

”Năm 2018, các doanh nghiệp cổ phần có tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước đạt 99.729 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 93% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần”, ông Tiến cho biết thêm.

Về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, ông Tiến cho biết, trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (2 doanh nghiệp) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 doanh nghiệp).

Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Đối với tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 -2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, ông Tiến cho biết, trong năm 2019 các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.791 tỷ đồng, thu về 3.258 tỷ đồng; Lũy kế từ năm 2016 đến năm 2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.279 tỷ đồng, thu về 51.714 tỷ đồng.

"Tổng số thoái vốn năm 2019, thoái 2.687 tỷ đồng, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2019, thoái 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng", ông Tiến cho biết.

Về việc truy trách nhiệm đối với các doanh nghiệp thoái vốn chậm, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ban hành các chính sách tài chính, chỉ có thể phát hiện những người, doanh nghiệp không chấp hành quy định và đề xuất xử phạt, Bộ Tài chính có nhiệm vụ theo dõi, giám sát chặt chẽ và công bố danh sách những doanh nghiệp chậm thoái vốn, không có quyền xử phạt, quyền xử phạt theo quy định là quyền của Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ.

”Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động