10 kết quả nổi bật của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam năm 2023

Bám sát chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kế hoạch công tác năm 2023 của NHNN, với vai trò là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN, đầu mối triển khai hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) của NHNN, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Dưới đây là 10 kết quả nổi bật của CIC trong năm vừa qua.
Tổng giám đốc CIC trở thành Chủ tịch của Mạng lưới Thông tin tín dụng Châu Á Nhu cầu vay tăng mạnh trên Cổng thông tin kết nối Khách hàng vay

1. Hoàn thiện Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP

Ngày 6/1/2023, Thống đốc NHNN đã ký các quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thành viên Hội đồng quản lý của CIC trên cơ sở Quyết định số 1376/QĐ-NHNN ngày 2/8/2023. Hội đồng quản lý và Ban lãnh đạo CIC cũng đã xây dựng hoàn thiện Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự của CIC giai đoạn 2023-2025 và Đề án tự chủ tài chính để trình Thống đốc NHNN. Đề án tự chủ là căn cứ để NHNN xem xét và ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CIC (thay thế Quyết định số 926/QĐ-NHNN ngày 12/5/2017 của Thống đốc NHNN), Quyết định giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN

Ngày 5/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 15/2023/TT-NHNN thay thế Thông tư 03/2013/TT-NHNN ký ngày 28/1/2013 quy định về hoạt động TTTD của NHNN. Thông tư mới đã khắc phục được các hạn chế của Thông tư 03/2013/TT-NHNN, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng vay; giúp mở rộng các chỉ tiêu thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có thể phát triển các dịch vụ thông tin có chất lượng cho TCTD và các chủ thể khác trong hệ thống. Thông tư 15/2023/TT-NHNN là tiền đề để CIC nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống ứng dụng nghiệp vụ lõi, ứng dụng nhiều hơn các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào các hoạt động thu thập, xử lý, tạo lập và cung cấp thông tin, qua đó nâng cao mức độ xử lý tự động của hệ thống, đảm bảo cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đầy đủ, giúp tăng cường khả năng tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN, các Vụ, Cục trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo sự ổn định của hệ thống Ngân hàng.

3. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch 171 triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

CIC là một trong những đơn vị triển khai có hiệu quả quyết định 171/QĐ-NHNN của NHNN về Kế hoạch của ngành ngân hàng thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án số 06). Cụ thể, CIC đã đối soát được 42,3 triệu hồ sơ khách hàng với CSDL quốc gia về dân cư, hoàn thành công tác chuẩn bị hạ tầng kết nối để triển khai giải pháp xác thực online. Thông qua kết quả đối soát, CIC đang tích cực phối hợp các TCTD rà soát, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng, đồng thời CIC có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao hơn phục vụ các TCTD.

4. CSDL TTTD duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và triển vọng mở rộng

CSDL TTTD Quốc gia do CIC quản lý luôn duy trì tích hợp TTTD từ 100% các TCTD, gồm có 125 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 1.160 Quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức), 61 tổ chức tự nguyện ngoài ngành và các cơ quan quản lý khác. Năm 2023, CSDL TTTD tăng 2,3 triệu hồ sơ khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3%, với 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay, hoàn thành mục tiêu đạt 55 triệu hồ sơ khách hàng vay do NHNN đặt ra đến năm 2025. Mức độ bao phủ TTTD đạt tỉ lệ khoảng 79,7% trên tổng dân số trưởng thành. Chất lượng hoạt động thu thập, xử lý, kiểm soát và lưu trữ thông tin được nâng cao thông qua việc áp dụng các quy trình chuẩn ISO, cập nhật các công nghệ mới. Các cơ hội kết nối/trao đổi thông tin với các CSDL quốc gia khác được mở rộng và từng bước hiện thực hóa (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, CSDLQG về Doanh nghiệp).

5. Xây dựng hoàn thiện hệ thống báo cáo phục vụ các đơn vị NHNN

Trong năm 2023, CIC đã sử dụng các công cụ khai thác, phân tích dữ liệu mới để hoàn thành việc xây dựng 12 báo cáo mới nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý, điều hành chính sách của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Hệ thống báo cáo mới được phát triển thêm nhiều chỉ tiêu giúp các đơn vị có cái nhìn tổng quan hơn thông qua hệ thống dữ liệu trực quan, nội dung báo cáo đa chiều, linh hoạt, theo nhiều cấp độ, từ đó có cơ sở để đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng…

Bên cạnh đó, CIC cũng đã hoàn thiện danh mục sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu theo các Nghị quyết, Chỉ đạo của Chính phủ, NHNN (Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023), phát hành Sổ tay hướng dẫn khai thác sản phẩm dịch vụ dành cho các đơn vị trực thuộc NHNN, góp phần hỗ trợ tốt hơn trong công tác quản lý, điều hành, thanh tra, giám sát ngân hàng.

6. Hoàn thành mục tiêu hoạt động cung cấp báo cáo thông tin hỗ trợ hoạt động chỉ đạo, điều hành của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung, tín dụng nói riêng có xu hướng tăng trưởng chậm lại, hoạt động cung cấp TTTD của CIC vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tương đối ổn định. Cụ thể, số lượt truy cập khai thác các sản phẩm cảnh báo và báo cáo cho các Vụ, Cục, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố qua website báo cáo của NHNN tăng 122% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng báo cáo tín dụng truyền thống do CIC cung cấp cho các TCTD tiếp tục tăng trưởng 7,7%, trong đó, báo cáo xếp hạng tín dụng tăng 40%. Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay và Ứng dụng iCIC ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 512,000 tài khoản đăng ký (bao gồm cả thể nhân và pháp nhân), tăng gần 30% so với năm 2022, với số lượng báo cáo tín dụng khách hàng vay cung cấp đạt mức tăng trưởng 105%. Thông tin kịp thời, đầy đủ từ CIC đã hỗ trợ tích cực công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Lãnh đạo NHNN, hoạt động quản trị rủi ro tại các TCTD, góp phần minh bạch hóa TTTD và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng vay.

7. Nâng cao vị thế CIC trong hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương

Ghi nhận những nỗ lực và vai trò của CIC - một trong bảy thành viên sáng lập Mạng lưới TTTD Châu Á (ACRN), tại Hội nghị ACRN 4 tổ chức tại Jakarta, Indonesia, Tổng Giám đốc CIC đã được các nước thành viên ACRN tín nhiệm bầu chọn giữ vị trí chủ tịch mạng lưới nhiệm kỳ 2023-2025. Theo đó, CIC là đầu mối triển khai các dự án hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy trao đổi TTTD xuyên biên giới nhằm thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.

Đại diện BTC tọa đàm MyData cùng các đại biểu khách mời
Đại diện BTC tọa đàm MyData cùng các đại biểu khách mời

Tọa đàm “Mydata - Bước đột phá nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng và hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính” do CIC hợp tác với Cơ quan dịch vụ thông tin tín dụng Hàn Quốc (KCIS) tổ chức tháng 9/2023 là tiền đề để mở ra các cơ hội hợp tác, kênh trao đổi, chia sẻ thông tin không chỉ giữa các công ty TTTD trong Mạng lưới ACRN, mà còn mở ra cơ hội, gợi mở giải pháp hợp tác chia sẻ thông tin giữa các CSDL của các cơ quan, ban ngành trong nước.

8. Hệ thống CNTT được nâng cấp, đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn

Năm 2023, Ban lãnh đạo CIC đã tập trung nguồn lực, chủ động lên kế hoạch đảm bảo quản trị, vận hành hệ thống được thông suốt, tăng cường khả năng sẵn sàng của hệ thống, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho hoạt động thông tin tín dụng. Theo đó, hạ tầng công nghệ CNTT đã từng bước được nâng cấp hiện đại, tuân thủ yêu cầu về hạ tầng quản lý và điều hành chuẩn an toàn thông tin cấp độ 3, đảm bảo khả năng vận hành an toàn của trung tâm dữ liệu, cung cấp môi trường hoạt động liên tục cho hệ thống (24/7). Trong năm, CIC đã chú trọng tăng cường nguồn nhân lực CNTT, thu hút nhân lực CNTT chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về xử lý và phân tích dữ liệu, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng nhằm đảm bảo đáp ứng được những thay đổi của thị trường và xu thế phát triển của ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số.

9. Triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số và cải cách hành chính

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và cải cách hành chính, CIC đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ tiên tiến vào trong toàn bộ hệ thống quản lý, quy trình nghiệp vụ của CIC như: Ứng dụng công nghệ mới trong xử lý dữ liệu và phân loại, cung cấp TTTD, tư vấn, hỗ trợ khách hàng; đa dạng hóa và nâng cấp kênh cung cấp TTTD; ứng dụng công nghệ học máy trong xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng; điều chỉnh, ban hành 15 quy trình nghiệp vụ điện tử theo chuẩn ISO; tập trung hoàn thiện bộ máy và hành lang pháp lý… Nhờ đó, tỉ lệ kiểm soát phê duyệt trả lời tin tự động đạt trên 97%; tỷ lệ xử lý, cập nhật thông tin tự động đạt trên 75%; công tác giải quyết khiếu nại đa số được thực hiện trực tuyến ngay trong ngày; năng lực đáp ứng, xử lý các yêu cầu hỗ trợ khách hàng được cải thiện rõ rệt; số lượng TCTD kết nối H2H với CIC lên tới 50 đơn vị. Bên cạnh đó, bộ máy CIC cũng được kiện toàn với việc thành lập Hội đồng quản lý, hành lang pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN cũng được hoàn thiện với sự ra đời của Thông tư 15.

10. Xây dựng chính sách giá sản phẩm, dịch vụ TTTD linh hoạt, khuyến khích TCTD tăng cường khai thác, sử dụng TTTD để giảm thiểu rủi ro

Ngày 2/6/2023, Tổng Giám đốc CIC đã ký và ban hành Quyết định số 129/QĐ-TTTD phê duyệt đề án xây dựng phương pháp tính giá sản phẩm, dịch vụ TTTD (sau đây gọi là “Đề án giá”) dựa trên chi phí cấu thành.

Với Đề án giá mới, các sản phẩm, dịch vụ TTTD có cơ sở, phương pháp xác định giá thành và giá bán một cách thống nhất, khoa học dựa trên đặc điểm sản phẩm, tính chất thông tin, các chi phí phát sinh trong quá trình tạo lập báo cáo, mục tiêu sử dụng sản phẩm, mục tiêu tăng trưởng hay nhu cầu đầu tư phát triển của CIC qua từng thời kỳ. Đề án giá với cách tính rõ ràng, nhất quán, có tính linh hoạt và có tính chiến lược đảm bảo công bằng giữa các đơn vị khai thác TTTD từ CIC.

Đình Phong
Phiên bản di động