Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Tôn vinh - Nhà giáo trong sự nghiệp “rèn đức, luyện tài”
Dự Lễ kỷ niệm Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam về phía tỉnh Vĩnh Phúc gồm có đồng chí: Hoàng Minh Quân – Nguyên Tỉnh uỷ viên, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; đồng chí Trần Dũng Long – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.
Về phía huyện Yên Lạc gồm có các đồng chí: Nguyễn Khắc Hiếu – TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Thị Huấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; Nguyễn Xuân Thông – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí BTV Huyện uỷ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch các xã, thị trấn cùng lãnh đạo, giáo viên tiêu biểu các trường học trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện Yên Lạc tặng hoa chúc mừng ngành giáo dục |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng ôn lại chặng đường phát triển của ngành Giáo dục huyện Yên Lạc từ khi tái lập huyện (1/1/1996) đến nay. Sau 26 năm tái lập huyện Yên Lạc, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc đã và đang có bước tiến vượt bậc cả về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục đào tạo. Từ chỗ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, Yên Lạc đã đứng trong top đầu của tỉnh cả về chất lượng mũi nhọn và đại trà.
Năm 1996, toàn huyện mới có tổng số 36 trường học, đến nay, quy mô, mạng lưới đã được phát triển thành 56 trường học và cơ sở giáo dục với 37.389 học sinh. Trong đó, Giáo dục Mầm non: 20 trường gồm 18 trường công lập, 2 trường tư thục và 19 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; Tiểu học: 18 trường; Liên cấp TH&THCS: 1 trường; THCS: 17 trường.
Bí thư huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Khắc Hiếu trao cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể có thành tích xuất sắc. |
Hiện tại, 100% các trường phổ thông đều có thư viện với số lượng đầu sách đáp ứng yêu cầu cho giảng dạy và học tập; được kết nối Internet, quản lí thư viện qua phần mềm, xây dựng thư viện thân thiện, hiện đại (THCS Tam Hồng, Tiểu học Hồng Châu, THCS Liên Châu…) thu hút được đông đảo CB, GV và học sinh nghiên cứu, khai thác tài nguyên phục vụ quá trình dạy và học.
100% các trường TH, THCS đã thực hiện sổ điểm điện tử, 100% các trường mầm non, Tiểu học, THCS cập nhật đầy đủ dữ liệu về cán bộ, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, đánh giá, xếp loại học sinh lên hệ thống thông tin quản lý giáo dục để làm cơ sở thống nhất với các phần mềm khác trong công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành.
Các nhà trường đã chủ động xây dựng quy chế cập nhật, quản lý điểm, sửa chữa điểm, đánh giá xếp loại học sinh, in ấn, quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ điểm đúng quy chế. Phòng GD&ĐT có website riêng để quản lý và chỉ đạo các hoạt động của ngành. Hệ thống mạng lưới trường lớp phù hợp với đặc điểm của từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh đến trường học tập. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Các nhà trường được tặng giỏ sách của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành |
Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được quan tâm, tỷ lệ kiên cố hoá lớp học tăng lên 98,3% bậc mầm non; 96,1% bậc Tiểu học và 98,2% bậc THCS. Các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện có nhà vệ sinh đáp ứng đủ điều kiện đạt chuẩn nhà vệ sinh trong trường học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chuẩn mới đạt gần 21% với 14 trường.
Đội ngũ cán bộ quản lý được bổ sung về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao. Những năm đầu tái lập huyện, đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện rất mỏng, chỉ có 1.225 người. Đến nay, đội ngũ giáo viên toàn huyện có 1818 người. 100% số cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn. Trong đó, trên chuẩn đạt tỷ lệ 51,14%. Số giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên là 80,02%.
Trong 26 năm qua, từ những cố gắng trong việc xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn… các trường học trong huyện đã góp phần xây dựng bảng thành tích chung của ngành giáo dục huyện. Các nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng 12 huân chương lao động; 30 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân; 300 tập thể lao động xuất sắc; 1 cờ thi đua của Chính phủ năm học 2012 - 2013; 44 cờ thi đua của UBND tỉnh; 245 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 269 tập thể, cá nhân được Bộ GD khen thưởng.
Các nhà giáo tiêu biểu được Chủ tịch huyện Yên Lạc tặng giấy khen |
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 2001, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2007 và Huân chương lao động hạng Nhất năm 2014; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; là đơn vị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 và hàng chục cờ thi đua của UBND tỉnh.
Nhiều nhà giáo được Chính phủ tặng Bằng khen như thầy Tạ Minh Hiếu (trường THCS Yên Lạc), thầy Hán Lượng (THCS Yên Lạc), cô giáo Ngô Thị Thu Chung (trường Mầm non Liên Châu), cô giáo Lê Thị Thuý Anh (trường Mầm non TT Yên Lạc). Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú cho 4 thầy, cô: cô Kim Thị Luận, cô Đặng Thị Bé; cô Lê Thị Kim Chung; thầy Tạ Minh Hiếu. Đây là những thành tích đáng tự hào của ngành giáo dục Yên Lạc trong những năm qua, khẳng định vị thế, vai trò của ngành trong sự nghiệp “rèn đức, luyện tài”, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới quê hương, phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Tại lễ kỷ niệm, huyện Yên Lạc vinh dự có 3 đơn vị được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; 9 tập thể nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” của UBND tỉnh; 10 tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 15 cá nhân được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động giảng dạy.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, các nhà trường trên địa bàn huyện đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tặng giỏ sách tri thức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu – TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện ghi nhận, tri ân sự đóng góp của các thế hệ nhà giáo đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo huyện nhà, cũng như với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Với truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc, trước những yêu cầu đổi mới của xã hội đòi hỏi người giáo viên ngày càng nâng cao cả về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới Giáo dục và Đào tạo; thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người giáo viên, để nhà giáo thực sự là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh, là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo.
Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp trồng người, cùng với ngành giáo dục quyết tâm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa kết quả hoạt động xã hội hóa giáo dục, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà giáo thực hiện tốt chức năng của mình nhằm mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước nói chung và huyện nhà nói riêng.