Yên Bái: Vang vọng lời Bác dạy 65 năm trước

Cách đây 65 năm, ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước cộng hòa XHCN Việt Nam) lên thăm Yên Bái. Sự kiện trọng đại này không chỉ là kỷ niệm thiêng liêng mà còn trở thành động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm đưa tỉnh trở thành trung tâm của Tây Bắc, đạt mục tiêu “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Khai mạc Lễ hội Trà Shan tuyết huyện Văn Chấn lần thứ Nhất Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững Yên Bái: Nhiều hoạt động tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò 2023 Bóng áo xanh nơi tâm lũ Mù Cang Chải

Ký ức vẹn nguyên

Theo lời kể của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng cao cấp lý luận Trung ương, 65 năm trước, chiều 24/9/1958, Bác Hồ đã đến Yên Bái. Từ một toa đặc biệt ở cuối đoàn tàu, Bác đã hiện ra cùng với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Bác tươi cười vậy chào tất cả mọi người, gần gũi thân thương, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân. Và ngay chiều tối hôm đó, rất khẩn trương, Bác có ngay buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trao đổi bao điều thiết thực, cặn kẽ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, căn dặn chuẩn bị thật tốt cho buổi sáng hôm sau, 25/9/1958, Bác nói chuyện với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

Thời điểm Bác về thăm Yên Bái là một mốc thời gian quan trọng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, chúng ta bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành sửa sai cải cách ruộng đất. Yên Bái lúc bấy giờ đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ ân cần của Bác, của Đảng và Chính phủ.

“Đóng góp sức người, sức của, kể cả hy sinh xương máu cho chiến thắng Điện Biên, giải phóng Tây Bắc của Yên Bái thật là to lớn, đều được Bác thấu hiểu. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn của đồng bào, kể cả những tàn dư hủ tục từ bao đời vẫn đè nặng lên từng bản làng và trong từng gia đình, Bác đều thấu cảm. Chẳng thế mà Người đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh, với Bí thư Tỉnh ủy hồi bấy giờ - những câu hỏi xoáy sâu vào tình cảnh sống của bà con, vào những khó khăn của một tỉnh nghèo vừa mới ra khỏi chiến tranh. Từ việc Yên Bái đã có thể tự túc được lương thực chưa, hay hằng năm vẫn phải nhận viện trợ của Trung ương, tất cả cần đến bao nhiêu tấn gạo? Có đủ muối ăn, nhất là muối i-ốt chữa bệnh bướu cổ cho bà con không? Vận chuyển gạo, muối lên miền núi giúp đồng bào có kịp thời và thường xuyên không? Người hỏi cả dầu hỏa thắp sáng cho các hộ dân xa xôi, thuốc chữa bệnh thế nào, cả chỉ màu cho chị em thêu váy áo nữa có được quan tâm không? Điều đó đủ thấy sự quan tâm của Người cụ thể và thiết thực như thế nào” – GS.TS Hoàng Chí Bảo kể.

Yên Bái: Vang vọng lời Bác dạy 65 năm trước

Hình ảnh Bác Hồ thăm và nói chuyện cùng đồng bào Yên Bái tại sân vận động Yên Bái 60 năm trước.

Tại buổi nói chuyện lịch sử ấy, một vấn đề quan trọng được Bác đề cập trong bài nói chuyện là “đồng bào phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới”. Người chỉ rõ những mặt chưa tốt, chưa tiết kiệm của đồng bào; Nhắc nhở đồng bào phải quyết tâm từ bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém trong ma chay, cưới xin thì cuộc sống mới khá hơn, tiến bộ hơn. Theo đó, Người nêu một ví dụ rất sinh động về thực hành tiết kiệm: “Bây giờ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt 1 dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành 1 nửa kg, trong kháng chiến chúng ta đã làm được... làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ, mà phải có tổ chức”.

Kết thúc bài nói chuyện, Bác nói “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô các chú có hứa với Bác thực hiện được không?”. Như một làn sóng, mọi người hô vang khẩu hiệu “Quyết tâm”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi đó đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc

Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp sức cho đồng bào, cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên các dân tộc tỉnh Yên Bái vượt lên mọi khó khăn thử thách, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua, xây dựng đời sống mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng cả nước thực hiện cuộc cách mạng kháng chiến, kiến quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Yên Bái: Vang vọng lời Bác dạy 65 năm trước
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Dương Thị Cúc (95 tuổi), thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống anh hùng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam, quân và dân Yên Bái thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; Tiễn đưa gần 25.000 thanh niên tham gia nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quyết tâm trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, thấm nhuần lời dạy của Bác, qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Yên Bái đã thực hiện các quan điểm, chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế. Điều này thể hiện rõ nét qua việc Yên Bái là đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; Quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 5,95%, cao nhất trong vùng và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đặc biệt, cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, xây dựng nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng của khu vực Tây Bắc. Đến nay, toàn tỉnh có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã của tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tiếp tục được phát huy.

Đáng chú ý, sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về thực hiện đời sống văn hóa mới để cuộc sống của Nhân dân được tiến bộ, Yên Bái đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương.

Yên Bái: Vang vọng lời Bác dạy 65 năm trước

Hồ Thác Bà với cảnh quan thiên nhiên độc đáo trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với Yên Bái

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định phương hướng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” với 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm.

65 năm sau ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và hơn 30 năm tái lập tỉnh, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, quân và dân Yên Bái không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ và đang ra sức phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong khu vực.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, chỉ số hạnh phúc của người dân là 62,57%, đạt mức khá hạnh phúc, vượt 1,37% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Với ý chí, tinh thần cách mạng tiến công, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, tạo nên diện mạo mới, sức sống xã hội mới, hình ảnh mới cho quê hương Yên Bái như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận khi lên thăm, làm việc và tham dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2019: "Chưa bao giờ Yên Bái có được cơ đồ như hôm nay”.

Kết quả đó đã khẳng định tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác và đạt được những thành tựu to lớn, thể hiện tình cảm sâu nặng và thiêng liêng với Người.

(Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái)

Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa một nội dung mới của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - mong ước suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng như của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% năm 2016 xuống còn 4,76% năm 2021; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đứng thứ 11 so với các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 16 so với cả nước, cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ, hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,92% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025).

“Chặng đường phát triển phía trước bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, vẫn còn không ít những khó khăn, thử thách. Song khắc ghi sâu sắc lời Bác dạy, với tình cảm và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác kính yêu, Đảng bộ và Nhân dân Yên Bái nguyện luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, nhằm tạo ra động lực và nguồn sức mạnh tinh thần to lớn hơn nữa, để quyết tâm xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xứng đáng là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là một trong những đô thị động lực của vùng Tây Bắc” – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nói.

Thái Sơn
Phiên bản di động