Xúc tiến thương mại mặt hàng trái vải và nhãn ra thị trường nước ngoài
Bắc Giang: Huyện Tân Yên xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm Hải Dương: Vải sớm Thanh Hà vào mùa, thương lái "săn" hàng Năm 2023, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 180.000 tấn |
Theo thống kê, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trái vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 đạt 27,4 triệu USD (giảm 42,3%). Đối với trái nhãn, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 23,318 triệu USD, năm 2022 đạt 13,893 triệu USD (giảm tới 40,4%).
Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng.
Ảnh minh họa. |
Quả vải và nhãn là hai loại trái cây nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam với hương vị thơm ngon khó nơi nào sánh bằng, là sản phẩm chủ lực của một số địa phương trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành sản xuất chế biến.
Trồng vải, nhãn cũng là sinh kế lâu dài của nhiều bà con nông dân, mang lại nguồn thu quan trọng cho các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La,... tạo nên thương hiệu, góp phần thu hút đầu tư, du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cho sự phát triển chung của vùng.
Hai loại trái cây này còn là đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới. Sản phẩm vải tươi nước ta đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.
Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”... |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn.
Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán… Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, chúng ta còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.
Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải khẳng định, Bộ Công thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực cùng các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.
Năm 2023, để chung tay, góp sức cùng các địa phương xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tạo nên một niên vụ vải, nhãn thành công cho bà con nông dân và doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ các vùng giáp biên giới mà tiếp cận các tỉnh/thành sâu trong nội địa còn nhiều dư địa để khai thác.
Đồng thời, chúng ta cũng cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.
Hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở khâu trực tiếp kết nối giao thương, phát triển thị trường, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở khâu phát triển sản phẩm, xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu sản phẩm, có chiến lược truyền thông phù hợp với từng đối tượng, thị trường mục tiêu cũng rất quan trọng và cần được chú trọng để nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm của địa phương.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản; đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa quả vải, nhãn nói riêng và nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.
Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cho mùa vụ vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, thời gian qua địa phương tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. Ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn; thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7/2023.
Về thị trường xuất khẩu, của vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hồng Kông...
Theo ông Tấn, để chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện như bảo đảm nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
“Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thương nhân đến Bắc Giang thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn”, ông Tấn nhấn mạnh.