Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ "đi B"

Sáng 21/4/2023, nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức gặp mặt và trao trả kỷ vật cho các cựu giáo chức "đi B".
Ra mắt tác phẩm “Nam chinh Bắc chiến” và tiếp nhận kỷ vật chiến tranh

Trao lại nhiều kỷ vật, hồ sơ quý giá

''Đi B'' hay đi chiến trường miền Nam - khái niệm có phần xa lạ với những bạn trẻ ngày nay nhưng đối với những cán bộ, nhà giáo năm xưa, lá đơn xin ''đi B'' thể hiện quyết tâm, với tinh thần tự nguyện của họ để vào Nam chiến đấu. Ngày lên đường vào Nam, họ để lại tư trang, hành lý, kỷ vật… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tiếp nhận, gìn giữ.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ III Trần Việt Hoa tiếp đón các cán bộ, nhà giáo từng "đi B".

Tại buổi gặp mặt sáng nay, những nhà giáo "đi B'' năm ấy vui vẻ tay bắt mặt mừng khi gặp lại đồng nghiệp và cũng là đồng đội chiến đấu trước đây.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III chia sẻ, Trung tâm đã bảo quản, lưu trữ được rất nhiều tài liệu quý từ năm 1945 đến nay. Trong đó có một khối tài liệu đặc biệt, là 72.000 hồ sơ của cán bộ đi B, được lưu trữ bắt đầu từ năm 1959-1960. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều tài liệu, kỉ vật được thu về cục lưu trữ, tra xét danh tính và xác nhận hồ sơ.

"Trải qua 48 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Trung tâm mong mỏi trao tận tay các cá nhân, gia đình của các cán bộ đi B những kỉ vật, hồ sơ ghi lại quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước của các chiến sĩ. Những bộ hồ sơ này là minh chứng của lịch sử, bản sao sẽ được các cá nhân và gia đình gìn giữ. Bản chính sẽ được trưng bày tại các bảo tàng, triển lãm lịch sử, cung cấp tới các du khách nước ngoài cái nhìn thực tế về lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước" - bà Hoa nói.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm phát biểu trong buổi gặp mặt
Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Những tài liệu, hồ sơ quý giá...
Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
...đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III sao chép và mong muốn gửi tận tay tới các cá nhân, gia đình chiến sĩ năm xưa.

Buổi hội ngộ xúc động

Gặp nhau trong ngày hội ngộ, nhiều nhà giáo không giấu nổi niềm vui và xúc động khi gặp lại đồng đội cũ. Những thầy, cô trẻ đầy hoài bão năm nào nay đã là ông, là bà. Ở tuổi 90 thậm chí 100, họ vẫn xúc động trao nhau những cái ôm thật chặt như ngày cùng nhau rời xa miền Bắc để vào chiến trường miền Nam.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Các thầy giáo vui vẻ hỏi thăm sức khỏe và gia đình đồng đội

Cũng tại buổi gặp mặt này, các thầy, cô giáo đã nắn nót cùng nhau kí tên lên lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam với niềm tự hào và trân trọng.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
"Đồng chí nào tay run, để tôi giúp đồng chí giữ tay giữ cờ"

Lá cờ có chữ ký của các vị lão thành ngay sau đó đã được trang trọng trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III như một kỉ vật lưu dấu ấn của những con người một thời tình nguyện ra chiến trường.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam với đầy những chữ ký của các thầy, cô lão thành được trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Bà Bùi Thị Nguyên (Thanh Xuân) vui vẻ trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Nga (Đống Đa). Bà kể: "Ngày ''đi B'', tôi là cô giáo dạy môn sinh học - hóa học, rồi chiến đấu tại Đà Nẵng - Quảng Nam từ năm 1965. Vừa tốt nghiệp trường Y, tôi xách túi cùng đồng đội xin ''đi B'' biền biệt 10 năm mới về. Gia đình cũng xót con gái lắm, nhưng tôi cứ đi thôi. Giờ tôi vẫn may mắn được ở đây cùng bạn bè trong thời bình thế này, quả thật rất cảm ơn Đảng, cảm ơn đời".

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Các cô giáo duyên dáng trong tà áo dài như thời trẻ trung

"Thời ấy, ai cũng mong từng ngày đất nước được giải phóng, dân ta được tự do. Bên trong mỗi cô cậu thời của tôi ngày ấy, cứ như có hòn than hòn lửa trong người, ngồi không yên được, cứ nghĩ đến thằng Mỹ cướp nước là sục sôi lên. Chúng tôi xin với chính quyền để được vào Nam chiến đấu, bảo vệ quê hương. Tôi nhủ trong lòng là phải quyết tâm, trước khi nước nhà thống nhất thì phải đánh được dăm chục thằng Mỹ đã rồi tự do mới hả lòng"- bà Nguyễn Thị Hồng Nga (Đống Đa) chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ
Những kỷ vật quý giá mà các thầy cô dành tặng Trung tâm như: võng vải thời chiến, cờ, những cuốn sách về giáo dục và lịch sử đầy ý nghĩa.

Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến tranh, ông Hoàng Bá Huy (Phủ Lý) nay đã ngoài 80 tuổi nói: "Tôi chiến đấu và làm việc tại Tuyên Quang. Khi Mỹ đem bom phá hoại miền Bắc, tôi không thể quên được tiếng còi báo động đinh tai mỗi khi máy bay địch đổ bộ. Hô hào tránh bom, tìm kiếm học sinh..., chẳng có gì tái hiện lại được cảm giác lúc ấy, khi cái chết có thể cách mình chưa đầy nửa gang tay.

Tôi mong rằng, thế hệ bây giờ và mai sau sẽ không bao giờ phải trải qua những phút giây ấy, không phải nghe tiếng còi báo động ấy. Hòa bình có thể là điều bình thường hôm nay, nhưng với chúng tôi ngày ấy thì đó là giấc mơ mà ai cũng muốn giành lấy cho Tổ quốc non sông".

Tùng Linh
Phiên bản di động