Xuất, nhập khẩu kỳ vọng vào một năm bứt phá!
Nghỉ Tết Nguyên đán, xuất nhập khẩu đạt 1,41 tỷ USD |
Khởi đầu với con số kỷ lục
Xuân Giáp Thìn 2024 đã đến với những khởi sắc ban đầu cho thương mại của Việt Nam. Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng đầu năm của ngành Công thương cho thấy những bước chuyển tích cực.
Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đạt kỷ lục với bước tăng trưởng 37,7%, trong đó xuất khẩu tăng 42% và nhập khẩu tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong tháng 1/2024, cả nước đã đạt kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục với con số 66,22 tỷ USD và tiếp tục xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu của năm 2024.
Hàng nông sản của Việt Nam được trưng bày triển lãm tại khách sạn trung tâm The Hotel-Brussel (Bỉ). |
Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 55,8% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là Trung Quốc đạt 6,1 tỷ USD, tăng tới 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, điểm sáng xuất khẩu thời gian qua là nhờ điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần gia tăng kim ngạch, đất nước tỷ dân trở thành quốc gia duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương.
Hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc những năm qua vẫn không ngừng phát triển. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2023 ước đạt 173,2 tỷ USD, là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam.
Có thể thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Hiện thực hóa các cơ hội
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trong đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đại diện Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư cũng như các văn kiện liên quan với Vương quốc Anh, tại phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 7 diễn ra ở New Zealand, tháng 7/2023. |
Nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp.
Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục và việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong nước và quốc tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi của FTA để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu của mình.