Xuất khẩu cá tra sụt mạnh vì “tắc” tại các cửa khẩu Trung Quốc

Nếu tình hình ách tắc các lô hàng thủy sản tại cửa khẩu Trung Quốc được tháo gỡ nhanh chóng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong năm 2020 chỉ giảm dưới 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu với Việt Nam Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ''tắc'' vì Trung Quốc siết nhập khẩu

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tháng 11/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đã giảm 29,3% so với tháng trước đó.

Theo Vasep, tình hình ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu Trung Quốc để chờ lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã làm hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này ngưng trệ.

Tính đến hết tháng 11/2020, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt 484,8 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, trong hai tháng trở lại đây, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường bị ảnh hưởng lớn.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,35 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra sụt mạnh vì “tắc” tại các cửa khẩu Trung Quốc
Ảnh minh họa

Trong đó, ngoài Trung Quốc – Hồng Kông, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 218,3 triệu USD, tăng 4,8%; Anh đạt 60,15 triệu USD, tăng 48,1% và Singapore đạt 31,4 triệu USD, tăng 14,1%. Còn lại, giá trị xuất khẩu sang các thị trường khác vẫn chìm trong mức tăng trưởng âm.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo nếu tình hình ách tắc các lô hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại Trung Quốc được tháo gỡ nhanh chóng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong năm 2020 giảm dưới 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, từ ngày 10/11, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo…

Theo quy định mới này, các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, cho tới gần cuối tháng 11/2020, thời gian để kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, cụ thể khiến nhiều lô hàng cá tra bị ách tắc tại cảng.

Theo Vasep, do Trung Quốc - Hồng Kông đang là thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam và có tới hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang giao thương với thị trường này. Do đó việc ách tắc này khiến cho các nhà xuất khẩu lo lắng nguy cơ xuất khẩu đình trệ sang thị trường Trung Quốc và áp lực do các chi phí phát sinh từ kiểm hàng, lưu bãi, lưu công đối với hàng đông lạnh là rất lớn trong khi giá xuất khẩu giảm.

Trước thực trạng trên, Vasep đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển báo cáo về việc các nhà nhập khẩu thủy sản tại Trung Quốc đã và đang đề nghị với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu nhằm giảm gây thiệt hại cho cả hai phía, đặc biệt đang vào dịp cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản cao nhất nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này khiến khối lượng lớn hàng bị tắc nghẽn tại cảng.

Đồng thời, Vasep cũng gửi công văn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra bình tĩnh, tránh nôn nóng chào giá thấp, hạ giá cá tra nguyên liệu vì điều này không những không giúp giải tỏa ách tắc hàng ở cảng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Được biết, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi diễn biến, nghiên cứu và xử lý thông tin về việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Văn Huy
Phiên bản di động