Xứ sở kim chi mạnh tay với bắt nạt học đường
Diễn đàn trẻ em thành phố Hà Nội 2023: Lắng nghe tiếng lòng của thanh, thiếu nhi Tăng cường “đề kháng” cho học sinh với bạo lực học đường Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường |
Bạo lực học đường là chủ đề thường xuyên được quan tâm trong những năm trở lại đây tại xứ sở kim chi.
Theo Korea Herald, trong khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2020 với khoảng 130.000 học sinh tại Hàn Quốc, khoảng 0,6% em thừa nhận từng bắt nạt bạn bè ít nhất một lần trong đời.
Hình thức bắt nạt phổ biến nhất là lạm dụng bằng lời nói (39%), bắt nạt hội đồng (19,5%), bắt nạt trên mạng (8,2%), đánh đập (7,7%) và tấn công tình dục (5,7%).
Khi dịch COVID-19 bùng phát, học sinh bắt đầu gắn bó hơn với các thiết bị điện tử, tình trạng bắt nạt qua mạng trở nên phổ biến hơn.
Đạo luật đặc biệt về phòng chống bạo lực học đường được ban hành tại Hàn Quốc năm 2004.
Theo đạo luật này, các ủy ban ngăn chặn nạn bắt nạt được thành lập ở các trường phổ thông trên cả nước. Kể từ đó, những hành vi bạo lực được nhà trường giám sát, ít nhất là trên danh nghĩa.
Hàn Quốc sẽ gia hạn lưu trữ hồ sơ bắt nạt học đường, đến khi thủ phạm vào đại học và xin việc (Ảnh: Getty) |
Tuy nhiên, theo Korea Times, vấn đề bạo lực học đường vẫn tràn lan. Nhiều nạn nhân vẫn tự sát và những kẻ bắt nạt tiếp tục nhởn nhơ không phải chịu hình phạt tương xứng cho những điều đã gây ra.
Nhiều nạn nhân cũng nói rằng, các ủy ban phòng chống bạo lực học đường là nơi không thể tin tưởng được.
Hiện tại, các trường đại học chỉ đang chú trọng xem xét điểm số, điểm chuyên cần, thành tích ngoại khóa và thư giới thiệu của giáo viên.
Theo biện pháp mới, các trường sẽ phải xem xét kỹ hồ sơ kỷ luật bên cạnh bảng điểm của học sinh trong suốt quá trình học trung học.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng gấp đôi thời gian lưu giữ bắt buộc hồ sơ kỷ luật, đối với các trường hợp sinh viên có hành vi bắt nạt nghiêm trọng, lên 4 năm để các trường hợp này sẽ bị bất lợi khi tuyển dụng, cũng như khi xét tuyển vào đại học.
Các biện pháp kéo dài thời gian lưu trữ thông tin bắt nạt trong hồ sơ cá nhân, nhằm bảo đảm thủ phạm không thể che giấu lịch sử bắt nạt và phải gánh trách nhiệm ngay cả sau khi học xong.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc tăng cường các biện pháp trừng trị những kẻ bắt nạt, ưu tiên và đảm bảo an toàn cho nạn nhân, tập trung vào vai trò của giáo viên trong việc ngăn chặn bạo lực học đường và tăng cường hướng dẫn phòng chống bắt nạt trong trường học.