Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường
Những cú đâm chí mạng quanh cánh cổng trường Nhóm nữ sinh đánh bạn, tung video lên mạng ở Hà Nội nhận hình thức kỷ luật Chỉ tuần đầu tháng 3/2021, liên tiếp 3 vụ học sinh bị đánh hội đồng |
Những cái kết thương tâm từ bạo lực học đường
Chiều 1/4, UBND huyện Đan Phượng đã có báo cáo về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Hồng Hà. Theo đó, vào khoảng 8h50 phút ngày 1/4/2021, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ 2, học sinh Nguyễn Quốc K (SN 2006, học sinh lớp 9) đã mang dao bầu và đâm vào bụng học sinh Nguyễn Văn D (SN 2007, là học sinh lớp 8) cùng học Trường THCS Hồng Hà.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và nhân viên y tế cùng một số giáo viên đã đưa học sinh Nguyễn Văn D đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, cháu D đã tử vong sau đó.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi mâu thuẫn. Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà trường nhanh chóng ổn định tâm lý học sinh...; Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có học sinh tử vong...
Nhiều người dân tập trung gần hiện trường |
Lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng, đoàn thể của huyện tổ đến thăm hỏi, động viên gia đình học sinh tử vong. Hiện vụ việc đang được Công an huyện và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đan Phượng điều tra, xử lý.
Trước đó, tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng xảy ra một vụ bạo lực học đường, nạn nhân là một nữ sinh bị đánh hội đồng và clip được tung lên mạng vào ngày 6/3. Sự việc được xác nhận liên quan tới nhóm học sinh của Trường Trung học cơ sở Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ đã có báo cáo về vụ việc. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, sự việc được xác nhận xảy ra vào trưa 6/3, ở bên ngoài nhà trường. Ngay chiều hôm đó, Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Có 5 học sinh liên quan tới vụ đánh nhau đã viết tường trình, bản kiểm điểm, bản cam kết với nhà trường.
Ngày 7/3, trường trung học cơ sở Sen Phương tiếp tục làm việc với các giáo viên chủ nhiệm có học sinh liên quan, 5 phụ huynh học sinh và các học sinh liên quan để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn của ngành Giáo dục và toàn xã hội (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân dẫn tới vụ đánh nhau, theo tường trình của các học sinh là có liên quan tới tin nhắn qua lại trên Facebook. Cụ thể học sinh P (lớp 8B - người bị đánh) nhắn tin trên Facebook cho học sinh H, lớp 8E, nói là các học sinh T. (lớp 9B), Tr (lớp 9C) và Tr (lớp 8C) đã đánh và chặn đầu xe của P.
Học sinh Tr (lớp 8C) đã vào nick của P để chụp toàn bộ tin nhắn và ghi âm của P gửi cho H. Sự việc khiến các học sinh mâu thuẫn, xảy ra đánh nhau.
Theo clip được tung lên mạng thì chỉ có học sinh P bị đánh. Trong lúc một học sinh đánh, các học sinh khác đứng bên cổ vũ, có cử chỉ, thái độ gay gắt, tức giận về phía học sinh bị đánh. P bị giật tóc, tát, đá vào người. Khi P ngã, hai trong số các học sinh tham gia đã kéo P dậy để một học sinh đánh tiếp.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, nhà trường đã họp với các phụ huynh, học sinh và yêu cầu các học sinh đánh bạn phải xin lỗi công khai. Phụ huynh của các học sinh đánh bạn đã xin lỗi phụ huynh của em P. Các phụ huynh và học sinh cùng cam kết không để xảy ra sự việc tương tự.
"Phòng đã chỉ đạo nhà trường rút kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi học sinh, nắm bắt thông tin của lớp, của từng học sinh để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh", ông Cường cho biết.
Vụ nữ sinh đánh nhau ngay trong tuần đầu Hà Nội cho học sinh đi học trở lại là dấu hiệu đáng lo ngại khi tình trạng bạo lực học đường vẫn chưa có giải pháp kiểm soát triệt để.
Cần coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới song thời gian gần đây xảy ra liên tục hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội…
Thực tế cho thấy, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chỉ đạo các đơn vị, trường học cụ thể hóa các giải pháp ngăn chặn bạo lực trong học sinh, quyết tâm không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Bạo lực không hải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2 triệu học sinh, Sở đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục, coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.
Ngoài ra, các trường học trên địa bàn thành phố còn tăng cường giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức nhân văn trong học sinh bằng nhiều hình thức như tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế, tặng quà tại các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà dưỡng lão; Hỗ trợ bạn gặp khó khăn...
Là người đã tổ chức thử nghiệm nhiều mô hình giáo dục có hiệu quả đối với học sinh chưa ngoan, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Nắm bắt diễn biến tâm lý, kịp thời hóa giải để phòng ngừa những va chạm, mâu thuẫn và hỗ trợ, định hướng cho học sinh nhận thức, ứng xử đúng là cách làm cho thấy rõ hiệu quả.
Để làm tốt việc này, nhà trường đã thành lập phòng tư vấn học đường, có chuyên gia tư vấn chuyên trách làm việc hằng ngày để không chỉ hỗ trợ học sinh, mà còn giúp giáo viên, phụ huynh giải quyết những vấn đề trong quản lý, giáo dục con em mình".
Nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt thầy giáo, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, trước vấn nạn bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng thầy cô phải sâu sát với học sinh, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn nhằm sớm ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường ngay từ khi còn là mầm mống. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường với khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.