Xử lý ra sao vụ cô giáo dùng dao chém đồng nghiệp?
Khen đồng nghiệp sexy, nam giới nhận "quả đắng" bị tố... quấy rối tình dục Cảnh sát trật tự chặn xe đồng nghiệp đi ngược chiều Yên Bái: Khởi tố cán bộ y tế học đường dâm ô con gái đồng nghiệp |
Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, cho biết cơ quan này đang điều tra vụ giáo viên Đỗ Thị Nguyệt Hằng dùng dao chém đồng nghiệp trong trường Tiểu học Ninh Phước.
Trước khi gây ra vụ việc, cô Hằng có bệnh lý về thần kinh. Sau khi đi điều trị, nữ giáo viên được bệnh viện cho về. Cô có chứng nhận khỏi bệnh nên được tiếp tục giảng dạy.
Bị điều tra hành vi dùng dao tấn công khiến nạn nhân phải nhập viện, cô Hằng sẽ bị xử lý ra sao?
Nạn nhân bị thương ở tay. Ảnh: A.L. |
Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật TNHH Dragon), Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Ninh Phước, cơ quan chức năng bắt buộc phải trưng cầu giám định đối với người gây ra vụ tấn công đồng nghiệp.
Nếu hội đồng giám định y khoa kết luận giáo viên Đỗ Thị Nguyệt Hằng bị mất năng lực hành vi thì người này được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về dân sự, người có bệnh lý về thần kinh (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải bồi thường thiệt hại gia đình nạn nhân.
Còn trường hợp cơ quan chức năng kết luận nghi phạm chỉ bị hạn chế năng lực hành vi, thì người đó vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, luật sư Long cũng trích dẫn Điều 67 Luật Giáo dục 2019 để liệt kê các tiêu chuẩn của nhà giáo. Trong đó, khoản 4 của điều này quy định người làm công tác giảng dạy phải đảm bảo sức khỏe, nhằm tạo môi trường lành mạnh, phát triển cho học sinh.
"Tại thời điểm ký hợp đồng giảng dạy, giáo viên phải đảm bảo sức khỏe. Nếu không đủ sức khỏe để giảng dạy thì điều chuyển làm công tác khác, trường hợp bị tâm thần thì có thể không tuyển dụng", luật sư Long phân tích.
Con dao cô Hằng dùng tấn công đồng nghiệp. Ảnh: C.V. |
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật Chính Pháp), đánh giá hành vi của cô giáo Hằng rất nguy hiểm khi sử dụng hung khí xâm phạm sức khỏe của đồng nghiệp, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Căn cứ thông tin ban đầu, luật sư nhận định giáo viên có biểu hiện bệnh về thần kinh, mất kiểm soát hành vi dẫn đến việc gây thương tích cho người khác. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của cô Hằng để xem xét xử lý.
Luật sư đặt ra giả thiết nếu kết quả giám định cho thấy trước và trong thời điểm thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác, cô Hằng bị xác định mắc bệnh về thần kinh làm mất khả năng kiểm soát hành vi, thì nghi can không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định nữ giáo viên đủ nhận thức hành vi, việc dùng dao tấn công đồng nghiệp do nguyên nhân chủ quan như mâu thuẫn giữa 2 bên, thì người gây án có thể bị xử lý hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
"Các hoạt động tố tụng tiếp theo sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi và kết quả giám định tỷ lệ thương tích của nạn nhân", ông Cường cho biết.
Sáng 15/12, sau khi kết thúc tiết 1 môn thể dục tại lớp 2C, cô Nguyệt Hằng dùng dao chém người đồng nghiệp Phan Thị Thúy Hằng ngay trong khuôn viên trường học.
Chứng kiến vụ việc, nhiều người đã can ngăn và giữ cô Nguyệt Hằng rồi giao cho lực lượng dân quân. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu với vết thương ở vai và tay trái.
Ông Lê Quang Thạch, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Ninh Hòa, cho biết sau khi được bệnh viện cho về, thấy cô Nguyệt Hằng có chứng nhận khỏi bệnh nên cấp trên bố trí đứng lớp. “Nếu cô Hằng hết bệnh mà không bố trí dạy là không đúng”, ông Thạch nói.