“Xóm miền Tây” phấn khởi đón tết trên Cao Nguyên
Những ngày đầu cơ cực
Xóm chài miền Tây bắt đầu hình thành từ năm 2009, khi một số hộ dân ở miền sông nước ở các tỉnh như: Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Long An, Thừa Thiên Huế… về ở. Với sự phát triển nhanh cũng những người dân chài lên Cao Nguyên sinh sống đã hình thành nên xóm miền Tây trên khu vực lòng hồ thủy điện Sê San.
Họ chọn cho mình cuộc sống trên các chiếc ghe, thuyền để thuận tiện cho việc đánh bắt cá dọc theo lòng hồ thủy điện. Cuộc sống của họ đều chung cảnh tạm bợ, nay đây mai đó trên mặt hồ thủy điện, không nhà cửa, không “đất cắm dùi”, con cái không biết chữ…
Hàng chục bà con miền Tây sống lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Sê San |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Triều xóm trưởng làng chai Sê San tâm sự: “Năm 2009, ở miền quê huyện Tri Tôn – An Giang bị mất mùa, cả vùng sông nước miền Tây đói kém. Khi đó, có người quen mách nước “hay là lên vùng sông nước Sê San” làm ăn xem sao. Thế là tôi và vài hộ khăn gói lên vùng đất này thử. Ban đầu, chỉ dựng tạm cái chòi bên mép sông để bắt con tôm, con cá làm kế sinh nhai rồi tính tiếp. Rồi thấy cũng kiếm được con cá, bán cũng có tiền nên dắt díu nhau gia đình lên đây sống.”.
Cuộc sống bà con sống bằng nghề đánh bắt và nuôi cá trên lòng hồ |
“Ngày trước lúc mới lên cuộc sống khó khăn lắm, vì không có giấy tờ hợp pháp nên cứ thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra là chúng tôi nổ ghe bỏ chạy. Vì khu vực lòng hồ giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai – Kon Tum nên khi đó hễ thấy bên này kiểm tra thì chúng tôi chạy trốn sang bờ bên kia và ngược lại. Cứ thế, chúng tôi sống cuộc sống tạm bợ qua ngày”, ông Triều bộc bạch.
Cuộc sống bà con sống khốn khổ, thiếu thốn, con cai không được đến trường |
Ông Lại Viết Đức quê ở Thừa Thiên Huế tiếp lời: “Chạy trốn mãi qua lại cũng không ổn nên chúng tôi tập trung viết đơn tập thể, mong được đăng ký thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum. Đến năm 2015, chính quyền xã Ia Tơi và huyện Ia H’drai đã đồng ý, tiến hành họp dân và tạo điều kiện cho chúng tôi làm đăng ký tạm trú, làm hộ khẩu, trở thành công dân chính thức của tỉnh Kon Tum”.
An cư lập nghiệp ở vùng đất mới
Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã ia Tơi cho biết: “Theo chủ trương của UBND tỉnh, xã đã rà soát và cho 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu nơi đây làm đăng kí tạm trú, tạm vắng. Cùng với đó xã cũng đã thống kê và đưa các hộ vào diện hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ các chương trình chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, nhằm giúp cho bà con ổn định cuộc sống chính quyền đã thành lập HTX du lịch và HTX nông nghiệp cá nhằm tìm đầu ra, hỗ trợ kĩ thuật, con giống cho hàng chục hộ nơi đây.
Thấu hiểu được những khó khăn, chính quyền đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho bà con xóm miền Tây xây nhà, ổn định cuộc sống |
“Hiện nay trên làng chài có tất cả 29 hộ với hơn 100 khẩu. Để tạo điều kiện cho các hộ dân làng chài ổn định cuộc sống, huyện đã hỗ trợ cấp đất trên bờ cho các hộ dân mỗi hộ 400m2, UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/ hộ để bà con xây dựng nhà cửa. Tết nguyên đán Canh Tý là năm thứ 2 xóm chài ăn tết trên bờ. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các hộ dân ở đây rất phấn khởi, yên tâm ổn định cuộc sống và coi đây là quê hương thứ 2 của mình”, ông Quyền nói.
Có nhà cửa ổn định, ngoài việc đánh bắt cá trên sông, bà con nơi đây còn tập trung làm lồng bè nuôi cá để tăng thu nhập. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 lồng cá. “So với ở quê thì thu nhập ở đây ổn định hơn rất nhiều. Dù ít dù nhiều nhưng ngày nào cũng có đồng ra đồng vào”– ông Nguyễn Văn Triều chia sẻ.
Niềm vui ổn định cuộc sống của xóm miền Tây trên Cao Nguyên |
Đang gỡ những miếng bánh tráng cá cơm vừa kịp khô, bà Nguyễn Thị Thủy (quê An Giang) phấn khởi cho biết: Sau nhiều năm đón tết dưới sông nước, dân làng đã có nhà mới khang trang để vui xuân. Còn mấy ngày nữa là tết đến, xuân về, gia đình tôi cũng đã đi sắm thêm những vật dụng nấu ăn và trang trí nhà cửa để cùng hàng xóm đón tết nguyên đán ở vùng đất quê hương thứ 2.
“Mừng lắm các chú ạ, nói chung bà con ở đây không ai nghĩ sẽ có cuộc sống ổn định, nhà cửa đàng hoàng trên bờ như bây giờ đâu, giống như một giấc mơ vậy đó. Bà con xóm chài ở đây rất vui vì được chính quyền địa phương các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi. Mới vừa rồi đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng ra thăm, tặng quà tết cho chúng tôi nữa”, bà Thủy khoe.
Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi chia sẻ: “Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, chính quyền địa phương đã cố gắng chăm lo cho người dân đón Tết đủ đầy. Chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã tặng quà Tết cho người nghèo, thăm, động viên bà con làng chài ổn định nơi ở mới, nên bà con đón Tết với không khí rất vui tươi và phấn khởi”.