Xác minh thông tin vụ động vật trong Vườn thú Hà Nội bị rét
Công tác chăm sóc động vật luôn đảm bảo
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt hình ảnh về những con vật được nuôi trong Vườn thú Hà Nội (Quận Ba Đình) phải khốn khổ vì rét. Bài viết được đăng tải đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng cách chống rét cho các loài động vật tại đây không bảo đảm.
Tuy nhiên, ông Lê Sĩ Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội khẳng định: Những hình ảnh, thông tin được đăng tải là hình ảnh cũ được chụp từ năm 2022.
Báo cáo với UBND TP Hà Nội, ông Lê Sĩ Dũng cho biết, Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội được Sở Xây dựng Hà Nội giao quản lý, duy trì 567 cá thể với một số loài như: Hổ, sư tử, voi, hà mã, hươu, nai... với mục đích trưng bày phục vụ khách tham quan và bảo tồn nguồn gen đối với các loài động vật quý hiếm theo Quyết định số 42/QĐ-SXD ngày 17/1/2024 của Sở Xây dựng Hà Nội.
Ngày 27/1/2024, khi có thông tin trên mạng xã hội về lời khẩn cứu thú đang nuôi dưỡng tại Vườn thú Hà Nội, ngày 28/1/2024, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội đã làm việc với các cơ quan truyền thông về công tác nuôi dưỡng chăm sóc và chống rét tại đây. Các cơ quan báo chí đã đi kiểm tra, đánh giá khách quan sự việc và có phản ánh các thông tin để dư luận có sự nhìn nhận đầy đủ và chính xác.
Vườn thú Hà Nội thực hiện theo quy trình, chăm sóc, nuôi dưỡng động vật |
Cụ thể về công tác phòng chống rét cho động vật, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội đã chủ động rà soát, kiểm tra toàn bộ các trang thiết bị phục vụ công tác chống rét như máy sửa, đèn hồng ngoài, bố trí dự phòng gỗ, củi, rơm khô để lót nền giữ ấm; gia cố, che chắn chuồng trại bằng tôn, tấm nhựa, lá cọ khô, bạt và bố trí các hộp trú rét cho động vật. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 17 độ C, đơn vị đã sử dụng đèn hồng ngoại cho nhóm thú dữ và sử dụng bình đun nước nóng để xả nước nóng vào bể tắm cho các các thể hà mã.
Bên cạnh đó, đơn vị đã điều chỉnh tăng khẩu phần ăn đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống rét cho đàn động vật; bổ sung các loại thuốc bổ, vitamin định kỳ để tăng cường sức đề kháng cho các cá thể động vật đặc biệt đối với con non, cá thể động vật sinh sản, cá thể động vật già yếu.
Về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng: Vườn thú Hà Nội thực hiện theo quy trình, định mức tại Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 của UBND thành phố, thức ăn cho đàn động vật đảm bảo đủ khối lượng và chất lượng. Thức ăn đều được mua tại các cơ sở đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các cá thể khỉ: Khối lượng khỉ đang quản lý, chăn nuôi trưng bày tại Vườn thú Hà Nội theo Quyết định số 42/QĐ-SXD ngày 17/1/2024 của Sở Xây dựng là 42 cá thể. Các cá thể này hiện đều khỏe mạnh, linh hoạt, ăn uống vận động bình thường. Các chuồng trại nuôi nhốt đã được lắp kính, che chắn bằng tôn, tấm nhựa đảm bảo chống rét, vệ sinh sạch sẽ. Đối với vài cá thể khỉ bị bệnh nấm, bệnh ký sinh trùng trên da hoặc già yếu đang được điều trị trong khu cách ly và thể trạng hiện đã ổn định và tốt hơn...
Hàng ngày, thức ăn cho đàn động vật được các cán bộ giám sát của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội và Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội kiểm tra về khối lượng, chất lượng đảm bảo đúng theo định mức, đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Công ty còn tăng cường, bổ sung khẩu phần thức ăn cho đàn động vật để tăng cường sức khoẻ chống giá rét.
Trong đợt rét kéo dài vừa qua, đơn vị này đã có những kế hoạch chống rét đầy đủ như lắp lồng kính, hộp trú bằng gỗ, đốt lửa sưởi ấm... Nhiều khu vực nuôi nhốt các loại động vật lớn như voi, hươu, sư tử, ngựa... đều lắp đặt những tấm bạt, vách ngăn chắn gió và hệ thống sưởi hoặc đốt lửa để sưởi ấm. Bên trong các chuồng hổ, sư tử hay gấu đều được duy trì nhiệt độ từ 16-18 độ C, không để cho các con vật bị rét.
Kiên quyết “lọc” thông tin “bẩn”
Trên thực tế, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật liên quan quy định rất rõ các hành vi vi phạm trên mạng và chế tài xử phạt. Luật Viễn thông năm 2009 và Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông, công nghệ thông tin tại điều 12 của các luật này; đồng thời tại Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy tính chất, mức độ, loại hành vi và hậu quả của hành vi mà cá nhân đó có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Sở TT&TT Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý sai phạm về phát ngôn, chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên MXH |
Cụ thể, theo điều 99 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử của Chính phủ, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, những người chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, chia sẻ thông tin gây hoang mang… có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Trước những thông tin lan truyền không đúng sự thật trên mạng xã hội về vụ việc trên, trao đổi với PV chuyên trang TTPL, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội bày tỏ quan điểm sẽ kiên quyết “lọc” thông tin “bẩn” trên môi trường mạng.
“Sở đang vào cuộc xác minh và sẽ xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin sai sự thật về vụ việc trên theo quy định của pháp luật" – bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội nhấn mạnh.