Xã Đa Tốn - Gia Lâm: Nhếch nhác cảnh rác thải bừa bãi, lấn chiếm trái phép trên trục đường 379
Hàn Quốc hỗ trợ Hà Nội thiết bị xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ |
Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU của Thành uỷ Hà Nội và Chỉ thị số 06-CT/UBND của UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo Ban Chỉ đạo 197 các cấp tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp về vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng để xây dựng hình ánh Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, “hấp dẫn, an toàn, thân thiện”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) vẫn tồn tại nhiều trường hợp vi phạm về trật tự tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.
Rác thải vứt bừa bãi dọc tuyến đường 379, đoạn qua xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội |
Theo đó, trên trục đường 379, đoạn qua xã Đa Tốn nhiều năm nay đã xảy ra tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, bãi rửa xe trái quy định. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, vẫn ngang nhiên diễn ra.
Đặc biệt là tình trạng rác thải, vật liệu xây dựng vứt bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường, san lấp, chiếm dụng trái phép khoảng đất ven đường làm quán nước tạm,…
Ghi nhận của phóng viên sáng 5/10 cho thấy, lòng đường, hè phố trên tuyến đường 379 đoạn qua xã Đa Tốn vẫn tồn tại tình trạng các cơ sở kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường, hè phố trái phép, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân.
Vật liệu xây dựng đổ tràn lan |
Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện việc một số cá nhân tự ý san lấp mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp để kinh doanh hoa, cây cảnh, mở quán bia... dẫn đến tình trạng rác thải, phế liệu, vật liệu xây dựng đổ tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông. Theo phản ánh của người dân, đã có nhiều vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đoạn đường này.
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường của các cơ sở kinh doanh, quán ăn |
Liên quan đến việc này, ông Đỗ Văn Tống - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho biết, thời gian qua, chính quyền xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ, xử lý nhiều trường hợp vi phạm theo quy định, trong đó có nhiều cá nhân tự ý san lấp mặt bằng để dựng lều lán kinh doanh trái phép.
"Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm để đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh môi trường", ông Tống nói.
Người dân tự lý đổ đất để dựng lều lán kinh doanh |
Được biết, trục 379 (liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên) là tuyến đường chính, có chức năng kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam của TP Hà Nội với khu vực Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho Quốc lộ 5, làm hài hòa và đa dạng thêm mạng lưới giao thông của Thủ đô với các tỉnh lân cận, góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời cũng phục vụ chủ trương giãn dân trong khu vực nội thành Hà Nội.
Do đó, các đơn vị chức năng xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm cần vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm các vi phạm để cùng TP Hà Nội xây dựng hình ảnh Thủ đô "xanh - sạch - đẹp".
Các bãi rửa xe trái phép xuất hiện trên lề đường |
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm, ngay từ đầu năm, đơn vị này đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị góp phần quan trọng vào thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trong đó, công tác đảm bảo trật tự đô thị được coi là công tác trọng tâm, do đó, ngay từ đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm đã tập trung triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị, đã tổ chức ra quân giải tỏa, dỡ bỏ: 39 lều lán; 137 mái che, mái vẩy, mái hiên di động; 83 bục bệ; 298 biển hiệu, biển quảng cáo; 281 băng rôn, khẩu hiệu; 8 chợ tạm; 19 cây cối; 119 hàng hóa, vật dụng; 17 điểm kinh doanh; sắp xếp 367 cửa hàng kinh doanh tại các tuyến đường trục chính trên địa bàn huyện.
Theo ý kiến của nhiều người dân, cứ sau mỗi đợt ra quân xử lý được một thời gian thì tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý dứt điểm, tránh các vi phạm tái diễn.
Ông Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, Ban Chỉ đạo 197 huyện đã đề nghị các cấp, các ngành, các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ-HU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm và Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 24/6/2022 của UBND huyện về triển khai tổ chức thực hiện về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn huyện năm 2022.
Đặc biệt, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục chú trọng vào thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự đô thị trong đó thực hiện tốt việc sắp xếp biển hiệu, quảng cáo; chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè và thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường đảm bảo bộ mặt đô thị luôn sáng, xanh, sạch đẹp.