Vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước

Sáng 1/12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã quán triệt chuyên đề "Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".
Xây dựng hành lang pháp lý vấn đề mới, tạo đột phá phát triển đất nước Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn cho đất nước

Khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành cao và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV được tiến hành ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, đánh dấu mốc quan trọng với chủ trương mở ra cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vì vậy, kỳ họp thứ 8 đã diễn ra với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đặc biệt, tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ đạo những định hướng nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội; trong đó có nêu những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội cần sớm khắc phục.

Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài, khơi thông nguồn lực trong dân.

"Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề "Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".

Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.

Trên cơ sở đó, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, giải quyết những vấn đề có tính tất yếu khách quan đặt ra từ thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp họp thứ 8, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Đổi mới tư duy, kiến tạo phát triển

Kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp.

Vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước
Quang cảnh hội nghị.

Theo đó, các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ khỏi dự thảo Luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với 7 luật, 4 nghị quyết quan trọng với nhiều quy định mới được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời, với tầm nhìn dài hạn, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới như: thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương...

Đặc biệt, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

"Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giải phóng các nguồn lực, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng đã được Quốc hội thông qua.

Quốc hội cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả việc giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp với thực tiễn như giám sát từ cơ sở, giám sát đột xuất..., kết hợp giám sát của Quốc hội với HĐND địa phương; kế thừa được kết quả giám sát, kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; quán triệt quan điểm giám sát là để tăng hiệu quả thực chất thực hiện chính sách, pháp luật, tránh trùng lặp với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác; không để ảnh hưởng, cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong thời gian diễn ra kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên tổ chức các phiên họp ngoài giờ để xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các nội dung cấp bách được đề xuất bổ sung vào chương trình kỳ họp và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 51 tỉnh, thành phố có đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (với 38 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.166 đơn vị hành chính cấp xã), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định, hoàn thành công việc của 50 tỉnh, thành phố (giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 544 đơn vị hành chính cấp xã) theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 37, Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.

"Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trong cả nước sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động