Vùng quất Tứ Liên được hồi sinh, sẵn sàng cho người dân chơi Tết
Quận Tây Hồ: 8/8 phường đạt danh hiệu "Phường Văn hoá" Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên Quận Tây Hồ: Sơ tán quất cảnh, ứng phó mưa lũ sau bão |
Nỗ lực phục hồi sau thiên tai
Bão Yagi quét qua Hà Nội để lại những dấu ấn buồn cho làng quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ). Dải đất ven sông Hồng vốn là nơi trồng quất lý tưởng nhờ đất phù sa màu mỡ, nhưng cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mưa lũ dâng cao. Nhiều vườn quất đã bị ngập úng, rễ cây thối hỏng, làm hao hụt sản lượng cây giống chuẩn bị cho mùa Tết. Ở huyện Đông Anh, mức độ thiệt hại ít nghiêm trọng hơn, nhưng nhiều hộ vẫn phải “cứu” cây bằng cách bơm tiêu nước, cắt tỉa cành hư hỏng và bón phân kịp thời để cây hồi phục.
Quất Tứ Liên đã được "hồi sinh", thay áo mới đón Tết 2025 |
Sau bão, những vườn quất đổ rạp, lá úa, quả rụng khắp nơi khiến người nông dân xót xa. Không ít gia đình đứng trước nguy cơ mất trắng. Tuy vậy, nhờ sự động viên từ chính quyền địa phương và các đoàn thể, bà con đã nhận được một số hỗ trợ thiết thực như giống cây dự phòng, phân bón và các chương trình tập huấn kỹ thuật xử lý hậu thiên tai. Có nơi, chính quyền còn tạo điều kiện cho nhà vườn vay vốn lãi suất ưu đãi để tái đầu tư vào vườn quất.
Một số khách hàng thân quen đã tìm đến Tứ Liên để "săn" cây đẹp |
Người dân Tứ Liên cho biết, đợt bão năm nay được xem là một trong những trận bão có sức tàn phá lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Mặc dù vậy, trong cái khó vẫn ló cái khôn: Nước dâng cao cũng đồng nghĩa phù sa sông Hồng bồi đắp thêm dưỡng chất cho lớp đất canh tác, giúp cây quất về lâu dài phát triển khỏe mạnh hơn. Ngay khi nước rút, bà con tranh thủ khơi thông rãnh thoát nước, cắt tỉa cành hỏng, phun thuốc ngăn nấm bệnh và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho cây. Sau hơn hai tháng nỗ lực, nhiều vườn quất đã xanh lá trở lại, quả kết thành chùm, sẵn sàng bước vào giai đoạn tạo dáng.
Chị Hoàng Thị Phương tất bật cắt tỉa cây trước Tết |
Chị Hoàng Thị Phương - chủ vườn quất Phương Thảo (Tứ Liên, Tây Hồ) - cho biết: "Thiên tai chẳng ai chống lại được. Những thiệt hại mà bà con nông dân chúng tôi phải chịu tuy không thể bù đắp trong ngày một ngày hai, nhưng đó cũng không phải là dấu chấm hết cho hành trình giữ gìn nghề truyền thống của làng. Vườn của tôi đã nỗ lực "thay áo mới" cho vườn với hàng trăm cây "dự phòng" từ vườn dự phòng. Tuy năm nay không hy vọng nhiều vào khách buôn, nhưng hy vọng lượng khách lẻ thân quen sẽ bù đắp lại phần nào đồng vốn để chúng tôi tiếp tục "bám nghề" trong những mùa sau".
Theo chị Phương, nhiều khách có phần e ngại sau thông tin quất Tứ Liên, đào Nhật Tân chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Họ lựa chọn đến các vườn khác để xem vì cho rằng "cây chịu bão thì không đẹp". Nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, quất Tứ Liên vẫn đang vào thời kỳ đẹp nhất với đa dạng mẫu mã, chủng loại và kích thước, sẵn sàng phục vụ người dân mua sắm Tết với mức giá rất phải chăng.
Chị Hoàng Thị Phương nói: "Ai cũng gặp khó khăn khi nền kinh tế chững lại. Nhà vườn chúng tôi cũng phải nắm bắt tâm lý khách hàng, điều chỉnh giá cả và ưu đãi, dịch vụ để hấp dẫn người mua. "Thuận mua, vừa bán", mức giá hợp lý là tiên quyết. Ở đây, quất cảnh size nhỏ rơi vào khoảng 200 - 800 nghìn đồng một chậu, size trung bình có giá từ 900 - 1 triệu 500 nghìn đồng. Ngoài ra, nhà vườn còn các mẫu cây lớn với mức giá cao hơn. Tuy nhiên, theo thị hiếu của nhiều khách quen, người dân có xu hướng chuộng quất bonsai, quất size nhỏ để vừa trong không gian chật. Có lẽ đó cũng là một hướng đi mới cho nhà vườn tìm hiểu trong những năm sau".
Quất tiểu cảnh, bonsai được nhiều người ưa chuộng |
Tại Đông Anh, các hộ làm vườn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dù quy mô thiệt hại không quá lớn, một số diện tích quất phải trồng lại từ đầu. Người dân chia sẻ, “cây vốn dĩ là ‘cần câu cơm’ cho cả năm, nên bỏ thì rất uổng”.
Do đó, ngay cả khi đối mặt rủi ro, các nông dân vẫn kiên trì bảo vệ từng gốc quất còn sót lại, lấy ngắn nuôi dài. Bởi họ tin rằng, nếu quất có thể sống sót, họ sẽ tiếp tục có cơ hội thu hoạch, dù có thể lứa này không đẹp bằng năm trước.
Hy vọng vào vụ mùa mới
Khi những chậu quất lác đác cho trái vàng óng, người nông dân làng Tứ Liên và Đông Anh lại bận rộn chuẩn bị công đoạn cuối cùng để đưa sản phẩm ra thị trường Tết. Nhiều nhà vườn tận dụng khoảng thời gian từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch để chỉnh lại dáng thế cây, tỉa bớt cành, lá, tạo nên các mẫu quất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Một số mô hình mới như quất bonsai, quất lồng ghép cùng tiểu cảnh hay quất “mini” để bàn được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của người mua, nhất là giới trẻ.
Ông Trần Nghĩa túc trực bên cạnh vườn quất tâm huyết |
Ông Trần Nghĩa, chủ vườn quất tại Tiên Dương, Đông Anh - chia sẻ: "Ngoài trồng quất, chúng tôi còn đan xen những cây hoa, cây rau theo mùa để tận dụng tài nguyên đất hiệu quả. Chúng tôi vừa trồng ăn, vừa "túc tắc" bán qua ngày nên không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Khách đến vườn ngoài mua quất, họ còn tỏ ra thích thú với những loại rau xanh và hỏi mua một ít về ăn thử. Có lẽ, tôi có thể chuyển hướng sang trồng rau trong thời điểm giữa năm để tăng thu nhập. Quất cảnh thì cả năm mới được một mùa Tết, nếu trồng đan xen các loại cây khác sẽ đem lại thêm hiệu quả kinh tế cao hơn".
Bà con Đông Anh còn lựa chọn trồng thêm các loại hoa để phục vụ người dân chơi Tết |
Mặc dù vườn quất đã phần nào hồi sinh, tình hình kinh tế chung lại khiến sức mua chững lại so với mọi năm. Nhiều thương lái trở nên dè dặt, chỉ đặt trước số lượng ít, thay vì “ôm cả vườn” như thói quen. Không ít chủ vườn chia sẻ, thông thường, đến cuối tháng Chạp là vườn đã “cháy hàng,” nhưng năm nay, tiến độ bán ra còn khá chậm. Dẫu vậy, bà con vẫn giữ sự lạc quan, bởi quất cảnh luôn có sức hút đặc biệt trong văn hóa đón Tết của người Việt. Một chủ vườn ở Tứ Liên tâm sự: “Kinh tế khó khăn thật, nhưng người ta vẫn muốn có cây quất để chưng, coi như một lời cầu chúc năm mới tốt lành”.
Để bắt kịp thị hiếu, nhiều nông dân không ngần ngại đầu tư cách thức quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, kết nối với các chuỗi siêu thị hoặc sàn thương mại điện tử. Một số hộ gia đình trẻ còn áp dụng phương thức bán tour trải nghiệm: Khách được đến vườn trực tiếp chọn cây, tìm hiểu quy trình chăm bón, sau đó mới mua. Hướng tiếp cận hiện đại này không chỉ tạo thêm kênh bán hàng, mà còn giúp người nông dân giới thiệu nghề trồng quất truyền thống, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Cây được chằng, buộc cẩn thận để nhanh chóng giao đến tận nhà khách hàng |
Dù còn đối mặt nhiều thách thức, bà con Tứ Liên và Đông Anh vẫn đặt niềm tin vào một vụ Tết khởi sắc. Quất là biểu tượng cho sự may mắn và niềm vui trọn vẹn, nên cứ mỗi lần cây đơm hoa, kết quả là thêm một lần gieo hy vọng. Sau đợt bão, người làm vườn càng trân quý từng gốc cây sống sót, nỗ lực cống hiến để mang đến cho người dân Thủ đô những chậu quất đẹp nhất, chan chứa hơi thở mùa xuân. Khi người nông dân biết cách biến thử thách thành động lực, tin rằng “quất cảnh Hà Nội” vẫn sẽ rạng rỡ khoe sắc, tô điểm cho bức tranh lễ hội Tết Nguyên đán năm nay.